Đặc thù về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khiến sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên phải đối diện nhiều khó khăn. Song, tín hiệu đáng mừng là trong thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn đã xây dựng thành công các mô hình canh tác hữu cơ, mang lại hiệu quả bền vững.
Giảm chi phí, tăng chất lượng
Nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai là một trong những HTX điểm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên về sản xuất an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật nhằm giảm thiểu chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạ chi phí đầu vào.
Ông Phạm Được, thành viên HTX, cho hay trước đây HTX chủ yếu trồng lúa nước nên gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí đầu vào đội lên, lợi nhuận theo đó cũng liên tục giảm xuống.
Chỉ đến khi HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hoạt động sản xuất mới dần khởi sắc. HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo từng tháng, quý và hàng năm phù hợp với quy mô và năng lực của đơn vị. Đặc biệt, việc tuân thủ sản xuất hữu cơ, VietGAP giúp thành viên giảm 50 - 70% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện, nhờ hoạt đông ổn định, HTX đang trở thành điểm tựa cho 20 hộ nông dân liên kết trên địa bàn huyện Đak Đoa sản xuất rau theo hướng VietGAP. HTX tập huấn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm với giá phù hợp và cao hơn thị trường để kích thích nông dân sản xuất bền vững.
Tương tự, HTX nho Phước Thể, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Ninh Thuận những năm qua cũng là một điển hình trong thực hiện sản xuất sạch để giảm gánh nặng chi phí vật tư đầu vào, đảm bảo tính bền vững trong hoạt động, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Sau khi thành lập, HTX thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ người dân sản xuất các giống nho mới. Đến nay, người dân nơi đây đã áp dụng trồng giống nho xanh với 10 ha và giống nho Hồng Nhật với hơn 4 ha.
Sản xuất sạch là chìa khóa giúp HTX giảm thiểu chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. |
Đặc biệt, các khóa tập huấn kỹ thuật của HTX còn chú trọng bổ sung kiến thức cho thành viên về sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nói không với các loại chất bảo quản, hóa chất độc hại gây ô nhiễm, ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thân thiện môi trường.
Không chỉ trồng nho sạch, mà xã Phước Thể còn đẩy mạnh việc sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn. Trong gần 5 năm qua, với sự đồng hành của địa phương, cùng hiệu quả của HTX Nông nghiệp Phước Thể, gồm 38 thành viên, mô hình sản xuất nông sản sạch trên địa bàn xã cho thu nhập cao.
Nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị
Những thành công của các HTX trong chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn sinh học đang chứng minh "giảm chi phí, nâng chất lượng" là hoàn toàn có tính khả thi. Và, trong bối cảnh gánh nặng chi phí, vật tư đầu vào đang đè nặng như hiện nay, sản xuất xanh rõ ràng là “lối thoát hiểm” nhanh nhất.
Đáng chú ý, bên cạnh những cuộc cách mạng trong thực hành sản xuất (GAP), thời gian qua, khi giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng vọt, chi phí đầu vào đội lên cao, nhiều HTX khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang triển khai sản xuất theo đơn đặt hàng nằm trong chuỗi cung ứng thay vì sản xuất đại trà.
Đơn cử như HTX Cao Nguyên Coffee, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Trước đây, các thành viên của HTX đa phần chỉ sản xuất, nhưng với xu hướng mở cửa thị trường, để phục hồi sản xuất kinh doanh, ngay sau Tết 2022, HTX bắt đầu mở thêm kênh phân phối, liên kết với các HTX, doanh nghiệp cùng lĩnh vực.
Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 10 đơn vị tại tỉnh Kon Tum. Trong dịch, doanh số của HTX sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ những chuyển đổi trong tư duy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xây dựng chuỗi giá trị, HTX đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, điển hình như yến sào tăng 10 lần, sâm dây, cà phê tăng 2-3 lần.
Ông Đào Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT HTX Cao Nguyên Coffee, cho biết hiện tất cả các thành viên thuộc HTX đã chuyển sang bán hàng trên Shopee, Lazada, nền tảng Facebook, Zalo...
Sau thời kỳ giãn cách do dịch bệnh, các thành viên của HTX đã bắt đầu đi xúc tiến gặp mặt trực tiếp, trước mắt là trong tỉnh và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên sau đó là đi giao thương khắp cả nước.
"Chúng tôi mong rằng, ngành công thương tỉnh sẽ tạo điều kiện mở rộng các mô hình kết nối giao thương giữa các tỉnh như Tây Nguyên với từng thị trường Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ... Đối với các doanh nghiệp Tây Nguyên, đặc thù lượng thành viên là người đồng bào đông, nên HTX cần có các chuyên viên hướng dẫn, kèm cặp, đào tạo các chủ doanh nghiệp kỹ lưỡng, chuyên sâu các phần mềm bán hàng online", ông Thuận nói thêm.
Có thể thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành nông nghiệp đang phải đối diện với rất nhiều thách thức. Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao, các HTX không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy sản xuất, đi theo hướng nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Nhật Minh