Đến nay, đã có nhiều mô hình hay mang lại ý nghĩa thiết thực về kinh tế xã hội. Mô hình tiêu biểu là HTX sản xuất, kinh doanh Cá chiên Thái Hòa. Phát huy lợi thế diện tích mặt nước hồ thủy điện, hồ thủy lợi và hàng trăm km mặt sông, các thành viên đã phát triển kinh tế bền vững từ nghề nuôi cá lồng trên sông hồ theo quy trình VietGAP.
Tập trung phát triển nhóm "ngũ quý"
HTX có 12 hộ thành viên nuôi tổng cộng 63 lồng cá, trong đó có 43 lồng cá chiên và 20 lồng cá bỗng. Sản lượng cá thu hoạch hàng năm đạt trung bình 9 tấn. Lý do HTX lựa chọn tập trung phát triển cá chiên và cá bỗng vì đây là những giống cá được xếp vào nhóm “ngũ quý” (cá chiên, cá lăng, cá dầm xanh, cá anh vũ và bỗng) nên giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng.
Nhờ nắm vững các kỹ thuật, nguồn thức ăn của cá chủ yếu là cá nhỏ tự nhiên, không sử dụng bất cứ loại thức ăn công nghiệp hay thuốc thú y. Chính vì vậy, HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giá cá bán đạt 450.000 - 480.000 đồng/kg, cao hơn so với thông thường từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Do kiểm soát tốt các yếu tố liên quan đến môi trường nước nên cá luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh, giảm khá nhiều chi phí phụ cho thành viên.
![]() |
HTX Thái Hòa đang góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương |
Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc HTX, cho biết việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn giúp HTX có điều kiện gắn kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất, từ đó ổn định về chất lượng, đồng thời tăng giá trị sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Với mục tiêu phát triển bền vững, HTX đã chú trọng sản xuất cá giống để phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó là liên kết chặt chẽ với các cấp ngành đầu tư quy hoạch hệ thống hạ tầng thiết yếu ở vùng nuôi và sản xuất giống tập trung nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo thuận cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
HTX sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa đi vào hoạt động hiệu quả chính là minh chứng cho hướng đi bền vững của chính quyền và nhân dân xã Thái Hòa vì đã góp phần xây dựng thương hiệu cho nghề nuôi cá ở địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, thúc đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện, 12 hộ thành viên của HTX đều có kinh tế khá giả nhờ nuôi cá lồng đặc sản. Trung bình, thu nhập của mỗi hộ đạt 200-300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tọa việc làm cho 10 lao động, hỗ trợ đầu ra cho người dân nuôi cá lồng.
HTX Thái Hòa đang đưa sản phẩm cá chiên tham gia Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Nếu đạt chuẩn OCOP, đây không chỉ là tiền đề tạo điều kiện cho HTX phát triển mà còn giúp xã hoàn thành các mục tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao thông qua việc phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nông thôn văn minh
Theo chính quyền xã, khi đi vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế, việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân cũng hết sức quan trọng.
Xã cùng người dân đẩy mạnh thực hiện chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây dựng cống thoát nước hợp vệ sinh, trồng cây xanh tại vườn nhà và 2 bên đường tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, qua đó tạo diện mạo mới cho khu dân cư.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giúp xã có thêm nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống nhân dân. Một trong những mô hình được triển khai và mang lại ý nghĩa thiết thực là mô hình “Thắp sáng đường quê”.
![]() |
Điện đường chiếu sáng các tuyến đường là điều kiện giúp nâng cao đời sống nhân dân |
Chương trình này đã "phá tan" tình trạng đường làng, ngõ xóm “tối đen như mực” gây khó khăn cho việc đi lại cũng như bảo đảm an ninh trật tự. Qua 3 năm triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê”, hệ thống đường điện đã được trải dài ở các tuyến đường.
Toàn xã đã hoàn thành được trên 26 km đường với trên 500 bộ bóng đèn chiếu sáng.Tổng số tiền đầu tư trên 350 triệu đồng và 450 ngày công. Xã Thái Hòa có 14/22 thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình “Thắp sáng đường quê” như: thôn Làng Mãn 1, Làng Mãn 2, Cây Vải, Lũ Khê, Đồng Chùa, Khánh An, Soi Long, Tân Khoa....
Từ đây, sinh hoạt của người dân có nhiều thuận lợi, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, không còn tình trạng trộm cắp tài sản, an ninh thôn, xóm được bảo đảm…
Đặc biệt, với đèn điện chiếu sáng, các hoạt động thể dục, thể thao buổi tối của người dân diễn ra sôi nổi, qua đó đã động viên tinh thần, phát huy được tinh thần tự giác của người dân, góp phần bảo đảm một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thái Hoà đang trở thành một hiện tượng nông thôn mới ở Tuyên Quang, và quan trọng hơn cách làm của người dân và Chính quyền nơi đây giúp thay đổi quan niệm nông thôn đang thực sự trở thành nơi đáng sống của người dân.
Huyền Trang