Để chuẩn bị cho thị trường Tết nguyên đán Tân Sửu, HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) chuẩn bị 25 ha rau, củ, quả và gần 100 ha rau vụ Đông liên kết với các hộ dân trong vùng. Theo kế hoạch, mỗi ngày HTX sẽ cung ứng 10 tấn rau, củ các loại cho các thương lái cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Bắc và hệ thống siêu thị Big C.
Được mùa, được giá nhưng... khó tiêu thụ
Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương phải giãn cách xã hội, các bếp ăn tập thể, thương lái ở các tỉnh, thành khác đều đã tạm dừng không thu mua rau, củ, quả trên địa bàn xã.
Hiện mỗi ngày, HTX chỉ xuất bán được từ 2 - 3 tấn rau các loại, tương đương với 20-30% sản lượng cho hệ thống siêu thị Big C. Hơn 70% số lượng nông sản đang bị tồn đọng và dần bị hư hỏng, già úa.
Bà Hoàng Thị Hảo, thành viên HTX Tân Minh Đức cho biết, gia đình bà trồng gần 2 mẫu su hào, cải bắp. Toàn bộ diện tích rau vụ Đông của bà đều được HTX Tân Minh Đức đứng ra bao tiêu.
Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm chất lượng xuất bán vào hệ thống siêu thị Big C nên giá bán cao hơn ngoài thị trường từ khoảng 15%. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất, chất lượng rau hơn hẳn những năm trước.
Nhiều diện tích rau của thành viên HTX tân Minh Đức đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua. |
Trước khi dịch bệnh bùng phát, bà mới bán cho thương lái được 1 mẫu su hào, cải bắp. Hiện diện tích rau vụ Đông còn lại cũng đã đến thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua.
"Thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào vụ rau Tết nhưng hiện nay thương lái không đến thu mua. Nếu tình hình này kéo dài thì không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ dân khác đều có nguy cơ thất thu vụ này", bà Hảo băn khoăn cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ là HTX chăn nuôi thủy sản Thu Nam Toản Chí Hải ở xã Nam Tân (huyện Nam Sách). Trước Tết, thành viên HTX vui mừng khấp khởi bởi năm nay giá cá trắm, chép giòn tăng mạnh so với mọi năm. Thế nhưng niềm vui vừa chợt lóe lên thì dịch bệnh bất ngờ ấp đến. Nhiều khu vực trên địa bàn xã đã bị phong tỏa từ trước Tết do có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2.
HTX còn hơn 20 lồng cá, tương đương khoảng 100 tấn cá trắm, chép giòn bị tồn đọng chưa thể xuất bán. Hiện cá đạt trọng lượng từ 3-6 kg/con, nếu không xuất bán, HTX sẽ thua lỗ gần 100 triệu đồng/lồng, tương đương khoảng 2 tỷ đồng.
“Giá cá giòn giảm nhưng thương lái không đến thu mua. Cá đã đạt trọng lượng xuất bán, không bán được đồng nghĩa với việc chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Ước tính, mỗi lồng cá chúng tôi sẽ thua lỗ gần 100 triệu đồng", ông Lương Quang Nam, Giám đốc HTX chăn nuôi thủy sản Thu Nam Toản Chí Hải trăn trở.
HTX chăn nuôi thủy sản Thu Nam Toản Chí Hải rất lo lắng vì sản lượng cá còn lại rất khó tiêu thụ. |
Đại diện HTX Tân Minh Đức cho biết, vụ Đông năm nay là vụ hiếm gặp bởi vừa được mùa, được giá. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên rau trồng ít sâu bệnh nên mẫu mã đẹp, năng suất su hào, bắp cải đạt từ 1,5 - 2 tấn/sào, cao hơn từ 2 - 3 tạ/sào so với vụ đông năm trước.
Không chỉ năng suất tăng mà giá rau vụ đông cũng cao gấp đôi so với năm trước. Trước khi dịch bệnh xảy ra, giá bán các loại rau, củ, quả đều cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bắp cải cao từ 8.000 - 9.000 đồng/kg; su hào 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi từ 5-7 triệu đồng/sào. Sau khi dịch bệnh tái bùng phát, giá các loại rau giảm nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng so với trước.
Nhưng khó khăn lớn nhất của HTX là không có thương lái đến thu mua. Dịch Covid - 19 tái bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp nên nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả ở các tỉnh, thành đều giảm nhiều so với trước. Trong khi đó các vùng rau màu ở các địa phương khác đều có nguồn cung dồi dào nên mặc dù cách xa tâm dịch, vận chuyển tương đối thuận lợi nhưng các thương lái đều ngại không thu mua rau màu ở khu vực này.
Chị Lương Thị Cúc, đại diện HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ, xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà) cho biết: "Trong khi ngành nông nghiệp và các ngành liên quan khác của tỉnh Hải Dương tạo mọi điều kiện để bảo đảm nông sản được lưu thông thì một số tỉnh, thành phố lại không cho phép người, phương tiện hay hàng hóa của tỉnh Hải Dương lưu thông vào địa bàn. Do vậy, các thương lái từ tỉnh, thành khác hầu như không đến thu mua nông sản trong tỉnh".
Đảm bảo điều kiện phòng dịch mới cho hàng hoá lưu thông
Theo thống kê của ngành Công thương tỉnh Hải Dương, hiện lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Với nông sản, tỉnh còn 4.080 ha rau vụ Đông đến kỳ thu hoạch.
Trong đó, có 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá... Sản lượng ước tính khoảng 90.760 tấn. Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.
Lo ngại Covid-19, chiều 16/2, Hải Phòng dừng tiếp nhận không chỉ công dân mà cả hàng hoá từ Hải Dương trong thời gian tỉnh này giãn cách xã hội (từ ngày 16/2 đến ngày 3/3). Giáp ranh Hải Dương, Hải Phòng vừa là thị trường tiêu thụ vừa thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hoá của tỉnh.
Theo đó, 80% sản lượng nông sản trên phục vụ xuất theo hợp đồng qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2/2021. Hiện nay, các mặt hàng nông sản này đã được doanh nghiệp mua của người dân và đang thu hoạch. Các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết với doanh nghiệp nước ngoài và lịch tàu biển cũng đã đặt.
Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc sở Công Thương Hải Dương cho biết, chính quyền địa phương đang khẩn trương nhiều biện pháp như: kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị trong quá trình thu mua. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các đơn vị khi đi qua các chốt kiểm soát dịch thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm phòng chống dịch.
Để hàng hóa được lưu thông thuận lợi, Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ cần sớm có chỉ đạo, tránh tình trạng tê liệt mà nông sản là đối tượng trước tiên, sau đó là các ngành sản xuất công nghiệp.
Đồng thời Hải Dương cũng đã có văn bản đề nghị Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương có cửa khẩu và phía Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các phương tiện, tài xế, người giao nhận trên địa bàn được ra, vào.
“Hải Dương đảm bảo điều kiện phòng dịch mới cho hàng hoá lưu thông”, ông Phạm Thanh Hải nhấn mạnh.
Trước đề nghị của tỉnh Hải Dương, lãnh đạo TP. Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét từng trường hợp cụ thể, gắn với yêu cầu bảo đảm các điều kiện như: Có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng…) và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định; Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus Sars-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất.
Đối với lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương, theo văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP. Hải Phòng, phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn, khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu cố tình vi phạm hoặc bỏ về nhà sẽ bắt buộc vào nơi cách ly tập trung và phải trả chi phí cách ly và xử lý nghiêm theo quy định.
Đây được xem là động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn đối với nông sản của các HTX, doanh nghiệp tỉnh Hải Dương trong bối cảnh dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp.
Nguyên Minh – Phương Nam