Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 (thay thế Luật HTX năm 2003) đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của HTX trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có vấn đề Luật HTX 2012 chưa thống nhất các đối tượng hoạt động trong khu vực kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, các tổ chức đại diện (hội, Liên đoàn HTX) và Liên minh HTX trong một Luật chung gây khó khăn trong việc quản lý và hỗ trợ của Nhà nước, chưa hội nhập với thế giới và chưa bao quát được khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012 nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ những ‘trở ngại’ cho các HTX khi phát triển sản xuất kinh doanh, gia nhập thị trường, thu hút thành viên. |
Ngoài ra, một số quy định của Luật HTX năm 2012 còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Đất đai năm 2013, Thông tư 06/2004/TT-NHNN, Thông tư 04/2007/TT-NHNN…
Trong Luật HTX năm 2012 có một số quy định về nguyên tắc cơ bản của HTX nhưng chưa phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới, từ đó gây cản trở sự phát triển của các HTX, liên hiệp HTX. Chính vì vậy mà số lượng HTX được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước còn ít và gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách ưu đãi hỗ trợ. Nhiều HTX quy mô nhỏ chưa chủ động liên kết, liên hiệp để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhiều HTX cũng chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia vì chưa đảm bảo được nguyên tắc mở cho thành viên.
Trước thực trạng trên, tại Tọa đàm, các biểu đều nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành mới các nội dung của một số chương, điều tại Luật HTX năm 2012. Trong đó có việc đề nghị thay đổi tên gọi Luật HTX thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm phù hợp với đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh và thiết kế nội dung dự thảo Luật. Bên cạnh đó là điều chỉnh bố cục của Luật theo hướng bảo đảm sự chặt chẽ, rõ chức năng của tổ hợp tác, liên đoàn HTX, tập đoàn kinh tế hợp tác theo khung pháp lý…
Cùng với đó, có quy định rõ về số lượng thành viên tối thiểu của HTX, liên minh HTX, liên đoàn HTX, tập đoàn kinh tế hợp tác; các cơ chế, chính sách phù hợp để tất cả các HTX được tiếp cận, hưởng thụ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Song song đó là quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX. Nghiên cứu, xem xét cắt giảm thủ tục, quy trình đăng ký thành lập đối với các tổ chức kinh tế tập thể.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã bước đầu phát huy vai trò trong việc hỗ trợ kinh tế thành viên, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Vũ Chí Giang đề nghị các cơ quan quản lý, ban soạn thảo dự thảo nghiên cứu, làm rõ vấn đề vì sao Luật HTX năm 2012 phải sửa đổi, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách, các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX.
Cùng với đó, cần chỉ rõ những cái mới, những cơ hội, thị trường của HTX trong bối cảnh hội nhập; có cơ chế để HTX dễ dàng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển. Có quy định cụ thể về tỷ lệ góp vốn, năng lực quản trị, quy mô thành viên, cơ chế vận hành, công nghệ ứng dụng và loại bỏ được những rào cản, quy định rườm rà ảnh hưởng đến hoạt động của HTX.
“Việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 là rất cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để giải quyết những vướng mắc tồn tại trong Luật và tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế hội nhập sâu rộng và thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết, mục tiêu xây dựng Luật HTX sửa đổi có mang tính bao trùm, rộng, với đối tượng hướng đến là người dân đang hoạt động ở các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ ít doanh nghiệp đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực, lĩnh vực còn khó khăn nhằm khai thác tiềm năng, nâng cao đời sống người dân.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị đề nghị ban soạn thảo dự thảo Luật HTX sửa đổi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, làm rõ nội hàm của Luật, loại bỏ các quy định gây trở ngại, giúp các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả trong nền kinh tế thị trường.
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012 nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ những ‘trở ngại’ cho các HTX khi phát triển sản xuất kinh doanh, gia nhập thị trường, thu hút thành viên. Ngoài ra, sửa đổi và bổ sung Luật HTX năm 2012 còn giúp phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX, tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững”, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị nhấn mạnh.
Ngày 13/6/2022 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo đó, Dự án Luật HTX (sửa đổi) được bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Dự thảo Luật HTX sửa đổi được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây cản trở việc gia nhập thị trường, phát triển thành viên; có tính khả thi cao trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển năng động, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng để người dân nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Huyền Trang