Theo đánh giá của văn Phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỉ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.
Lợi ích nhân đôi
Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn tập trung nguồn tài nguyên du lịch của vùng Bắc Bộ, với 1.205 lễ hội, 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều di tích và lễ hội được UNESCO công nhận. Hà Nội còn đang có trên 1.000 HTX, hơn 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố.
Để tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh này, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các HTX và lấy đó là điểm tựa để phát triển du lịch.
Chẳng hạn như HTX rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đang chú trọng phát triển các loại rau màu theo hướng hữu cơ. Sản phẩm: Rau cải chíp, bí xanh, su hào, cà tím dài, cải canh, cà chua… của HTX với lợi thế về chất lượng nên đã nhanh chóng được công nhận “OCOP 4 sao”, đáp ứng tiêu chí vùng trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình nông nghiệp sạch của các HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội là điểm tham quan, trải nghiệm lý tưởng. |
Hệ thống vườn rau hữu cơ không chỉ giúp HTX Thanh Xuân cung cấp mỗi tháng ra thị trường 20-25 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 450-500 triệu đồng/tháng mà còn là địa điểm chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm lý tưởng.
Tuy lượng khách đến phụ thuộc theo mùa và chủ yếu vào mùa hè và mùa đông nhưng cũng giúp HTX thu hút khoảng từ 35 - 50 đoàn tham quan, trải nghiệm/năm. Khách của HTX chủ yếu là học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhờ đó mà tổng doanh thu của HTX đạt hàng tỷ đồng/năm.
Hay tại HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (Thường Tín) phát triển nhiều mô hình, trong đó có: Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hoa cây cảnh, rau an toàn, trồng và chế biến dược liệu. Đặc biệt, sản phẩm trà chùm ngây của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao nên thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc HTX Hồng Vân cho biết: Du khách tới đây được tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, chụp ảnh với các vườn hoa, cây cảnh với những dáng thế độc đáo...
Do có nhiều hoạt động du lịch phong phú nên khách tham quan, trải nghiệm du lịch ở Hồng Vân khá đông. Ước tính, mỗi năm HTX đón khoảng 20.000 lượt khách về tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt là khách hàng cũng chính là nguồn tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng như cây giống, trà thảo dược của HTX.
Hiện, HTX Hồng Vân cũng đang đẩy mạnh kích cầu du lịch bằng cách tổ chức các lễ hội như bánh trôi bánh chay, lễ hội hoa để thu hút khách sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch bệnh.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 11 trang trại hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái. Ngoài chủ đầu tư là người dân, doanh nghiệp thì các HTX cũng đang tham gia tích cực vào mô hình này.
Hiện, Hà Nội có 4 HTX nông nghiệp chuyên ngành kết hợp với giáo dục trải nghiệm đã thu được kết quả khả quan là: HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân, HTX Rau Đường Lâm, HTX Trải nghiệm xã Đồng Tiến, HTX Hoa, cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ngoài ra còn các HTX gắn với làng nghề truyền thống như Làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); điêu khắc, mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức)… cũng đều thu hút khách du lịch.
Tạo động lực phát triển
Có thể thấy, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương ở Hà Nội đang tạo nên sức hút cho các điểm du lịch, đồng thời hoạt động du lịch cũng góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.
Chẳng hạn như mô hình du lịch nông thôn mới tại làng nghề Bát Tràng, trong đó lấy sản phẩm OCOP của các HTX như HTX sản xuất- thương mại - dịch vụ du lịch làng cổ Bát Tràng hay HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (Gia Lâm) là trung tâm để thu hút khách du lịch. Điều này giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại địa phương, nhất là các vùng ngoại thành.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội, năm 2021, thành phố có 547 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP của Hà Nội. Trong đó, có 8 sản phẩm đăng ký thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng là các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về sản phẩm OCOP gắn với du lịch hay các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm này. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần 2 năm nay, hoạt động du lịch giảm sút nghiêm trọng, nhiều HTX gặp khó khăn nên chưa mặn mà với việc nâng cấp và tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
“Hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng HTX còn lúng túng trong việc chuẩn hóa, nâng cấp các OCOP theo đúng quy trình”, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc HTX Hoa, cây cảnh Hồng Vân cho biết.
Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để giúp các HTX tận dụng tiềm năng thế mạnh. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến, giá trị các mặt hàng cũng được nâng cao.
Để tận dụng thế mạnh này, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, những điểm đến có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống.
Đi cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề. Cụ thể, Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Trong đó có chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và liên kết với các HTX.
Hà Nội cũng chú trọng hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân, HTX làm du lịch... Qua đó tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển và có thêm nhiều sản phẩm OCOP của thành phố.
Với những kế hoạch này, hy vọng trong giai đoạn 2022-2025, thành phố sẽ đạt được mục tiêu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn triển khai từ 1- 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, "ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Tùng Lâm