Đây là một nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp triển khai Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN (Chương trình 503) về kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, tổ hợp tác (THT) sản xuất theo chuỗi cung ứng diễn ra ngày 12/8.
Kết nối với đầu mối tiêu thụ
Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang cho biết, từ nay đến cuối tháng 8, An Giang thu hoạch 1,3 triệu tấn lúa hàng hóa. Ngoài ra, lượng rau củ đã đến kỳ thu hoạch là 53.000 tấn, lượng trái cây từ nay đến cuối năm dự báo sẽ thu hoạch khoảng 518.000 tấn, lượng thủy sản từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch khoảng 286.000 tấn, trong đó cá tra khoảng 229.000 tấn.
Từ khi có Chương trình số 503 do Liên minh HTX Việt Nam ban hành, An Giang đã thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo huyện Thoại Sơn để liên kết với Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ người dân, HTX tiêu thụ lúa với giá 4.800 đồng/kg, cao hơn 800 đồng/kg so với giá sàn.
Hỗ trợ HTX kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN. |
Tuy nhiên, theo ông Cứng, hiện các HTX, đặc biệt là HTX sản xuất lúa gạo còn diện tích lớn chưa thu hoạch, trong đó có 150.000 ha lúa nếp 1 vụ nhưng tiêu thụ đang gặp khó vì dịch Covid-19 nên không xuất khẩu được.
“Đầu tháng, một số HTX đã liên kết xuất khẩu lúa sang Campuchia, nhưng hiện nước này cũng đã thông báo ngừng nhập”, ông Cứng nói.
Cũng chia sẻ về những khó khăn trong đầu ra của các HTX, ông Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đồng Tháp cho biết, tỉnh có 219 HTX lúa gạo, trong đó 5 HTX đã thu hoạch với sản lượng 19.216 tấn thóc nhưng đều chưa tiêu thụ được. Ngoài ra, tỉnh còn có 4 HTX thủy sản, thì 2 HTX đang thu hoạch với sản lượng 328 tấn; 4 HTX rau củ với sản lượng trên 250.000 tấn, chủ yếu là khoai lang.
Theo ông Cường, hiện việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các HTX ở Đồng Tháp đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 làm thị trường tiêu thụ nội địa giảm. Trong khi đó, giá thức ăn nuôi trồng thủy sản và giá vật tư sản xuất tăng khiến HTX không thể chủ động mở rộng sản xuất hoặc tái đầu tư.
Đi kèm với đó là các dịch vụ cung ứng cho thành viên đang bị dừng do thực hiện giãn cách xã hội. Việc thiếu đơn vị vận chuyển, thiếu xe có thẻ "luồng xanh", thiếu lái xe vì phải thường xuyên test Covid-19 khiến đầu ra nông sản của các HTX bị ứ đọng.
Từ thực tế trong quá trình hỗ trợ HTX kết nối, tiêu thụ nông sản xuất khẩu, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, hiện đã có HTX làm việc rất chuyên nghiệp. Tiêu biểu như Liên hiệp HTX thanh long ở Bình Thuận đã thành thạo trong khâu đóng gói, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, hầu hết các HTX hiện nay có sản lượng nhỏ nên không đủ đáp ứng đơn hàng của đơn vị nhập khẩu. “Chúng tôi đã giới thiệu xuất khẩu vải sấy cho doanh nghiệp nhưng họ yêu cầu phải có từ 12.000 thùng trở lên, trong khi chúng tôi thu mua từ nhiều HTX cũng chỉ được vài trăm thùng”, bà Oanh nêu vấn đề.
Là đơn vị đang tích cực hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống, ông Thanh Hải, phụ trách bộ phận thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống của Saigon Co.op lưu ý, các HTX vẫn còn gặp khó khăn nhất định trong việc đảm bảo chất lượng và số lượng hàng hoá. Để đưa hàng vào siêu thị, HTX phải có đầy đủ giấy tờ kiểm nghiệm theo yêu cầu của Nhà nước, nhưng đa số HTX lại thiếu.
Bên cạnh đó, khi thu mua hàng hóa, Saigon Co.op rất muốn thu mua đa dạng các mặt hàng, nhưng đa số HTX không đáp ứng được vì yếu công nghệ chế biến. Chính vì vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong hệ thống siêu thị, các HTX cần nhanh chóng hoàn thiện các yêu cầu trên.
Để nhanh chóng hỗ trợ các HTX giải quyết khó khăn và kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản, ngoài ban hành văn bản số 504/LMHTXVN-CSPT, 510/KH-LMHTXVN, gần đây nhất, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN vào ngày 4/8/2021.
Chỉ sau một thời gian ngắn Chương trình 503 được ban hành, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu Tư, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) đã kết nối với một số đầu mối sẵn sàng tiêu thụ nông sản cho các HTX như: Lan Chi mart, Aeon, BigC, Saigon Co.op… Ngoài ra, 3 đơn vị vận chuyển được cấp "luồng xanh" là Grab, Viettel Post, VNPost cũng sẵn sàng bắt tay với 2 Trung tâm để hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, để các HTX có thể tiêu thụ thuận lợi qua 6 kênh là chợ đầu mối, siêu thị, xuất khẩu, kết nối với doanh nghiệp chế biến, bán hàng online và bán hàng trực tiếp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, vai trò của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố là rất quan trọng.
Theo đó, có sự tham gia của hệ thống Liên minh HTX các tỉnh, thành thì việc lên danh sách, thu thập thông tin của HTX như: tên sản phẩm, các chứng nhận, sản lượng nông sản, vận tải "luồng xanh" để vận chuyển nông sản trong tỉnh, thành... mới thành công. “Khi làm tốt được điều này, các Tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam rất dễ dàng kết nối với doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
Tính tới những giải pháp căn cơ
Theo thống kê, hiện có 7 loại nông sản đang bị tồn đọng nhiều nhất là lúa, rau quả, trái cây, thủy sản, lợn hơi, trứng, thịt gà. Trong đó có 4 sản phẩm bị tồn đọng nhiều nhất tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội là thịt gà, trứng, hải sản, thịt lợn.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 đạt 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dẫn số liệu của Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang xảy ra thì kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn tăng. “Điều đó chứng tỏ, bên cạnh tiêu thụ nội địa thì xuất khẩu vẫn là một trong những giải pháp căn cơ để giúp các HTX giải quyết tình trạng tồn đọng hàng hóa”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh lưu ý.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hỗ trợ các HTX ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, nông sản của các HTX vẫn còn những tồn tại khiến việc kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu còn khó khăn. Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, các Trung tâm của Liên minh HTX cũng như Saigon Co.op cần chỉ rõ là HTX đang vướng ở khâu nào, ở sản phẩm nào… để đưa ra các giải pháp kịp thời. Khi giải quyết được những khó khăn này thì khả năng tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sẽ cao hơn, hiệu quả hơn.
Liên minh HTX Việt Nam đã kết hợp với HTX công nghệ thông tin Huế cho ra mắt Cổng thông tin kết nối cung-cầu sản phẩm nhằm hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản khi dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng như tạo nền tảng cho các HTX kết nối với doanh nghiệp, người tiêu dùng về lâu dài. |
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cũng lưu ý các Tổ công tác hỗ trợ kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản cần tập trung vào một số giải pháp để có thể hạn chế những bất cập, khó khăn trong quá trình làm việc.
Theo đó, các Trung tâm cần thành lập ngay nhóm trên mạng xã hội kết nối với các đầu mối ở các Liên minh HTX tỉnh, thành để nắm được các thông tin, chia sẻ khó khăn, cách làm hay, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho HTX.
Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ các HTX và kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam cập nhật thường xuyên, liên tục quá trình kết nối cung - cầu lên Cổng thông tin Kết nối cung - cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Cổng thông tin Kết nối cung - cầu sản phẩm sẽ giúp HTX kết nối được với người mua, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Để làm tốt điều này, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiến hành đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, HTX trong thời gian sớm nhất để HTX có thể tự kết nối với thị trường.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cũng đề cao sự sáng tạo, chủ động của các HTX thay vì ngồi chờ đợi sự hỗ trợ. Tiêu biểu là nhiều HTX ở Bắc Giang, Thái Bình vừa qua đã thực hiện bán hàng online, livestream với hàng trăm đơn hàng mỗi ngày. Hay như HTX Nông nghiệp Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng), dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng sản lượng nông sản tiêu thụ của HTX vẫn tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có được điều này là do HTX chú trọng bán hàng qua , đồng thời gửi thư đến các doanh nghiệp để có thể cung cấp nông sản cho doanh nghiệp với giá cả hợp lý. Chính vì vậy mà có ngày, HTX nhận được hàng trăm đơn hàng.
Hiện, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX ở các tỉnh, thành phía Bắc tiêu thụ hiệu quả nông sản qua 6 kênh, nhưng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, vẫn cần tìm ra một hoặc hai kênh tiêu thụ "điểm" để tập trung vào đó. Chẳng hạn như chọn lựa các HTX đã kết nối được với doanh nghiệp xuất khẩu hay kết nối được với các siêu thị, chợ đầu mối trên thực tế làm ví dụ điển hình để tìm hiểu, học hỏi, rút kinh nghiệm cho các HTX khác và các địa phương áp dụng triển khai kịp thời.
Huyền Trang
Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sunfood Đà Lạt: Từ Chương trình số 503 của Liên minh HTX Việt Nam, Sunfood Đà Lạt nhận thấy, việc xây dựng sàn thương mại điện tử là rất cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. HTX mong muốn có thể được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp vận chuyển để đẩy mạnh hỗ trợ người dân, thành viên tiêu thụ nông sản. Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX trái cây sinh học OCOP (Bio Fruit Coop), Hậu Giang: Hiện, HTX đã liên hệ với Saigon Co.op để tiêu thụ nông sản. HTX mong muốn Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Co.op tạo điều kiện cho HTX giao thêm các mặt hàng vào hệ thống của Saigon Co.op, để có thể chung tay tiêu thụ nông sản đang tồn đọng. Bên cạnh đó, xe giao hàng của HTX đã đủ điều kiện giao hàng theo luồng xanh của Bộ Giao thông Vận tải. HTX cũng bảo đảm về test Covid-19 nên có thể sẵn sàng cùng tham gia vận chuyển nông sản ra Hà Nội, miền Trung và miền Nam cho các HTX. Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình: Từ khi Liên minh HTX Việt Nam ban hành Chương trình 503, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản do Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh là Tổ trưởng. Đồng thời, Liên minh HTX tiến hành họp trực tuyến, hướng dẫn HTX cập nhật cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, Liên minh HTX Việt Nam có thể xem xét cấp mã cho từng Liên minh HTX tỉnh, thành phố để thuận tiện cho việc truy cập cổng thông tin điện tử. |