Đánh giá sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Đặng Ngọc Huy cho biết, đến nay kinh tế tập thể của tỉnh đã phát triển cả chất và lượng. Người dân đã có sự nhìn nhận khác về mô hình HTX kiểu mới, hạn chế những định kiến của mô hình HTX kiểu cũ không còn phù hợp với thời kỳ đổi mới hiện nay.
“Điểm nổi bật đó là nhiều cán bộ trẻ, tốt nghiệp đại học về làm việc tại HTX, khởi nghiệp bằng con đường thành lập HTX và tổ chức hoạt động mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội ở địa phương”, ông Huy chia sẻ.
HTX là "điểm tựa" cho người dân
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, các HTX trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò là bà đỡ cho kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhiều đơn vị đã mạnh dạn đổi mới bộ máy tổ chức, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới.
“Đã có 11 HTX nông nghiệp có thế mạnh về cây lâm nghiệp tham gia vào Dự án trồng rừng bền vững. Nhiều HTX đã tham gia chương trình OCOP thành công như: HTX nông nghiệp Bình Phú với sản phẩm củ nén, HTX nông nghiệp Bình Hải với sản phẩm củ hành, nếp ngự Sa Huỳnh của HTX nông nghiệp Phổ Châu, khoai lang Nhật của HTX nông nghiệp Tịnh Thọ, các sản phẩm nấm của HTX nấm Đức Nhuận...”, Liên minh HTX Quảng Ngãi thông tin.
HTX Tịnh Thọ được hỗ trợ máy móc chế biến khoai lang. |
Ngoài ra, các HTX cũng chủ động liên kết với doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cho thành viên, đẩy mạnh hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm.
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) đã đứng ra cung cấp các loại vật tư nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Những hộ khó khăn được HTX hỗ trợ vốn để mua vật tư. Với cách tổ chức và làm ăn của HTX đã tạo được niềm tin của thành viên. HTX làm đại lý cấp I cho Công ty ANCO phân phối sản phẩm đến các trang trại, mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thu nhập cho thành viên góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Ngoài ra, HTX triển khai mô hình sản xuất khoai lang thương phẩm và ứng dụng khoa học, công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc theo chuỗi giá trị. Năm 2020, HTX đã gia công trên 15.000 lít dầu thành phẩm, đồng thời sản xuất trên 600 lít dầu lạc để bán ra thị trường. Hiện nay, HTX đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Dầu lạc Tịnh Thọ” với Cục Sở hữu trí tuệ.
Phát huy vai trò hỗ trợ thành viên, người dân trong sản xuất, không ít HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mở rộng dịch vụ tín dụng nội bộ để hỗ trợ tốt nhu cầu về vốn cho các thành viên tại địa phương, giúp thành viên kịp thời trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi tại địa phương.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp I Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) bình quân hàng năm giúp gần 150 lượt hộ thành viên vay vốn. Hay như HTX nông nghiệp II Bình Khương (huyện Bình Sơn) đã thực hiện các thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tạo điều kiện cho vay không quá khắt khe, đáp ứng yêu cầu vay vốn của hộ thành viên trong HTX. Nhờ đó, nhiều hộ giảm nghèo và vươn lên làm giàu ở nông thôn cũng từ nguồn vốn vay của các HTX. Hầu hết thành viên vay vốn đều nộp lãi đúng hạn, thành viên rất tin tưởng vào HTX.
Để HTX thích ứng thị trường
Dù kinh tế tập thể, HTX đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn nên chưa thể phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh.
Chẳng hạn, hiện nay vốn điều lệ của HTX còn thấp, tài sản phần lớn là nhà, kho đã cũ, xuống cấp. HTX rất khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vì không đáp ứng được yêu cầu cho vay của các tổ chức tín dụng.
Đa số các HTX nông nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, rất ít HTX cung cấp dịch vụ đầu ra. Phần lớn các HTX là HTX dịch vụ nông nghiệp được chuyển đổi từ loại hình HTX nông nghiệp toàn dân trước đây nên sản xuất kinh doanh ít gắn với thị trường. Một số HTX không còn khả năng hoạt động, muốn giải thể nhưng còn vướng mắc về vốn góp, tài sản, công nợ.
Nhìn chung, quy mô thành viên của các HTX mới thành lập quá ít, chỉ tập trung phần lớn vào nông nghiệp. Quỹ tín dụng nhân dân hầu như không thành lập mới, trong khi đây là một trong những hình thức hoạt động hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng về xã hội, góp phần phát triển cả hệ thống HTX.
Đối với các HTX thương mại, vận tải, khai thác hải sản xa bờ hầu như không có đất để xây dựng trụ sở và công trình hạ tầng phục vụ cho kinh doanh như: bãi đỗ xe, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc tranh chấp, lấn chiếm đất trái phép của cá nhân đối với đất HTX khai thác hải sản xa bờ đã thuê kéo dài chưa được các ngành chức năng giải quyết, ảnh hưởng đến phương án sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Đặng Ngọc Huy, những khó khăn mà khu vực kinh tế tập thể, HTX đang gặp phải là do việc quán triệt các quan điểm của Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, HTX triển khai chưa đồng bộ. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã can thiệp quá sâu vào hoạt động của các HTX, vi phạm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của kinh tế HTX.
“Chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa đủ mạnh để tăng hiệu quả khuyến khích phát triển HTX. Nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ phát triển HTX còn thấp. Sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển”, ông Huy nêu rõ.
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế và không ổn định. Các HTX cũng chưa có giải pháp khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, bổ sung vốn hoạt động để vươn lên…
Ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển theo chuỗi là một trong những định hướng của kinh tế tập thể tỉnh Quảng Ngãi. |
Trước những khó khăn, rào cản mà HTX đang đối mặt, tỉnh Quảng Ngãi đã có những định hướng cụ thể để đưa kinh tế tập thể thích ứng với thị trường.
Theo đó, dự báo kinh tế thế giới sẽ có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhất là các nền kinh tế lớn, gắn liền với kết quả triển khai vắc xin Covid-19 trên diện rộng. Thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo sẽ phục hồi nhanh, cao hơn so với trước đại dịch. Đi cùng với đó là xu hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao.
Chính vì vậy, để phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, ngoài nâng cao sản xuất theo các tiêu chuẩn được công nhận trên thế giới như sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ biến đổi gen, sản phẩm gỗ phải từ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững... thì thương mại điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả, bền vững để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
“Trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn chỉ có liên kết thì HTX và doanh nghiệp mới phát triển được thương hiệu sản phẩm thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Để phát triển HTX trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi năng lực nội tại của các HTX phải thích ứng với yêu cầu của công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong tổ chức sản xuất và kinh doanh”, ông Huy nhấn mạnh.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, các HTX cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đi đôi với liên kết chuỗi với doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 cả tỉnh có khoảng 10% HTX, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.
Muốn làm được điều này, UBND tỉnh và các cấp ngành, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn vốn xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới. Song song đó, hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… để nâng cao năng suất, chất lượng trên thị trường.
Mục tiêu phát triển HTX của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 -Toàn tỉnh có khoảng 250 THT với 2.500 thành viên; 330 HTX với gần 300.00 thành viên; 2 liên hiệp HTX. -Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trên tổng số HTX của tỉnh; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt từ 50%; có khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc. -Doanh thu bình quân của HTX đạt 4.000 triệu đồng/HTX. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 200 triệu đồng/HTX. -Phấn đấu xây dựng tối thiểu 2 HTX kinh doanh tổng hợp theo chuỗi giá trị với quy mô cấp huyện. -Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả tỉnh có khoảng 10% HTX, THT ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. -Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 30% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. |
Huyền Trang