Thống kê tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đặc sản Cà Mau, tổ chức ngày 11/12/2023, cho thấy, đến tháng 11/2023, cả nước đã có 10.881 sản phẩm được đánh giá đạt OCOP 3 sao trở lên với 5.610 chủ thể tham gia. Trong đó, chủ thể là HTX chiếm đến 37,9%, 24% là doanh nghiệp và 35,3% là cơ sở nhỏ, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Riêng đối với khu vực ĐBSCL hiện đã có 2.426 sản phẩm OCOP (chiếm 18% so với cả nước).
Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023. |
Độ phủ chưa cao
Đánh giá tiềm năng lợi thế phát triển sản phẩm OCOP ở ĐBSCL còn rất lớn nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các chủ thể tham gia OCOP lớn ở ĐBSCL hiện nay là các HTX nhưng quy mô phần lớn còn nhỏ. Việc gắn sản xuất với thị trường đã được các HTX quan tâm nhưng làm sao để sản phẩm phát triển cùng với sự vận động của người tiêu dùng, thị trường thì vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết quy mô nhỏ lẻ khiến các HTX có sản phẩm OCOP khó tiếp cận các nhà phân phối bởi nhiều chủ thể dù cùng sản xuất một sản phẩm OCOP nhưng trong nhiều trường hợp vẫn không đủ sản lượng 1 container để vận chuyển đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các chủ thể là các HTX vẫn đang yếu kỹ năng về chuyển đổi số, xúc tiến thương mại nên việc bán các sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại vẫn chưa chuyên nghiệp và việc nắm bắt các cơ hội từ thị trường bán lẻ trực tuyến còn hạn chế.
Đặc biệt nhiều sản phẩm OCOP của HTX còn mang tính tương đồng cao, chưa xác định được sự khác biệt, độc đáo nên khó thu hút được người tiêu dùng. Chẳng hạn như nhiều HTX hiện nay cùng sản xuất phồng tôm, cùng sản xuất mì gạo với mẫu mã, chất lượng tương đồng, không có điểm nhấn nên nhạt nhòa trên thị trường.
Là một trong những tỉnh coi trọng phát triển các sản phẩm OCOP, đến nay, Cà Mau đã có 145 sản phẩm OCOP nhưng có một điều là tỉnh vẫn chưa có sản phẩm nào được công nhận OCOP 5 sao. Điều này cũng cho thấy sản phẩm OCOP của Cà Mau chưa đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Thay vào đó, sản phẩm OCOP của tỉnh hiện chủ yếu tiêu thụ qua các điểm trưng bày sản phẩm và các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh có 42 sản phẩm được bán trong các hệ thống phân phối ở trong và ngoài tỉnh.
Sự độc đáo cần được quan tâm ngay trong cách làm ra sản phẩm OCOP cũng như trong làm bao bì, marketing, cách xúc tiến thương mại mới thu hút khách hàng. |
Tuy nhiên, theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nếu như các chủ thể là doanh nghiệp có điều kiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường nên không gặp quá nhiều khó khăn trong tìm đầu ra thì có một thực tế đối với các chủ thể là HTX, tổ hợp tác là do nguồn vốn có hạn, việc kết nối với nhà phân phối lại gặp khó vì trở ngại chiết khấu quá cao, có khi lên đến 36%. Do đó, cần tính toán để bảo đảm lợi ích giữa bên mua và nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, có một thực tế là trong nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở miền Bắc nhưng lại rất ít khi thấy sự xuất hiện của các sản phẩm OCOP ở ĐBSCL. Ngay như tại diễn đàn Mekong Connect tổ chức mới đây cũng cho thấy sự xuất hiện hạn chế của sản phẩm OCOP miền Nam, nhất là những sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Điều này cho thấy, độ phủ của sản phẩm OCOP là chưa cao.
Tránh bị phụ thuộc
Theo các chuyên gia, các chủ thể OCOP là HTX có nhiều khó khăn về quy mô, nguồn vốn, con người… nên không thể cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn khi họ cùng sản xuất sản phẩm OCOP. Thay vào đó, để có được hướng đi rộng mở hơn, sản phẩm của HTX phải có sự độc đáo, khác biệt.
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết thông thường người tiêu dùng chỉ có 2 giây để ghi nhớ sản phẩm nên ngoài gây ấn tượng bằng bao bì, các chủ thể OCOP phải cho khách hàng thấy sự khác biệt trong sản phẩm của mình. Bởi có sự khác biệt, sản phẩm của HTX mới vào được siêu thị và có sự khác biệt mới quyết định được hành động mua hàng của người tiêu dùng.
Cụ thể, như sản phẩm bánh phồng có nhiều HTX ở ĐBSCL cùng sản xuất nhưng để thuyết phục được nhà phân phối và khách hàng, bánh phồng tôm đó phải có sự độc đáo, khác biệt như: bánh phồng tôm, bánh phồng cua, bánh phồng hàu…
“Mỗi loại bánh được sản xuất từ một nguyên liệu khác nhau sẽ tạo nên một câu chuyện sản phẩm khác nhau thu hút người dùng”, ông Paul Lê cho biết.
Đặc biệt, trong thời buổi hiện nay, sự phát triển của thương mại điện tử nên buộc các HTX phải thay đổi tư duy từ xúc tiến thương mại truyền thống sang xúc tiến thương mại hiện đại, có sự linh hoạt trong kết hợp giữa bán hàng truyền thống và hiện đại.
Bà Lê Thu Lụa, Trưởng đại diện tập đoàn Sunwah tại Hà Nội, cho biết để tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc thông qua thương mại điện tử, trước tiên, sản phẩm của HTX phải có thương hiệu, được đăng ký tại Việt Nam, kinh doanh ổn định từ 3 năm.
Ngoài ra, HTX cần nhớ rằng với mỗi sản phẩm, HTX phải có cách marketing khác nhau mới có thể tiếp cận được khách hàng. Đi liền với đó, bao bì đóng gói cũng phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người Trung Quốc mới có thể cạnh tranh được.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là nhiều HTX cũng đã tiếp cận công nghệ, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng theo ông Võ Đại Thành Trung, Giám đốc Womart, tình trạng người tiêu dùng mua một chai nước mắm của HTX trên sàn thương mại điện tử phải đợi 3-7 ngày là một khoảng thời gian khá dài, chưa kể sản phẩm bị vỡ, hỏng…
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua hàng mà còn cho thấy các HTX, các chủ thể OCOP đang bị phụ thuộc vào quy trình bán hàng của các sàn thương mại điện tử, hay nói cách khác là đang bị phụ thuộc vào quy trình chuyển đổi số trong bán hàng. Trong khi, Trung Quốc làm rất tốt về chuỗi cung ứng, giao hàng.
Để giải quyết tình trạng này, các chủ thể có thể thuê nhân viên để phát triển phần mềm, dễ chuyển đổi số hoặc các nhà quản lý cần hỗ trợ HTX tiếp cận các quy trình, ứng dụng bán hàng đơn giản, dễ quản lý khâu phân phối để tối ưu thời gian vận chuyển khi đến tay người tiêu dùng.
“Như vậy, cần tạo môi trường thương mại chung cho sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp, thay vì để các sản phẩm OCOP cùng bán trên sàn thương mại điện tử với các sản phẩm khác như hiện nay”, ông Võ Đại Thành Trung chia sẻ.
Huyền Trang
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |