Theo mục tiêu tại Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đến năm 2030, cả nước có khoảng 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; khoảng 340 liên hiệp HTX. Đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.
Chất lượng là yếu tố sống còn
Để hoàn thành mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng việc cần làm là tập trung nâng chất lượng HTX. Và kinh nghiệm ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng cho thấy để có những chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng, họ đã sáp nhập những HTX nhỏ để giảm số lượng HTX nhưng số lượng thành viên trong chính HTX lại tăng, quy mô trung bình mỗi HTX cũng tăng.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết mục tiêu đến năm 2030 trong Nghị quyết 20 đặt ra là thêm số lượng HTX nhưng thực chất, muốn để khu vực này vững mạnh thì chất lượng là yếu tố sống còn.
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2 (Bộ NN&PTNT), cũng cho rằng hiện nay, ở nhiều vùng, HTX quy mô vẫn còn nhỏ, chưa khai thác được lợi thế của mô hình HTX. Việc nâng quy mô, mở rộng thành viên, chú trọng dịch vụ đầu vào - đầu ra sẽ giúp HTX đẩy mạnh chế biến, phát triển chuỗi giá trị… từ đó nâng cao chất lượng HTX song song với việc phát triển số lượng.
Nhìn vào thực tiễn, có thể thấy, khu vực KTTT, HTX đang đi theo đúng hướng mà các chuyên gia kỳ vọng. Cụ thể là theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX (20.357 HTX nông nghiệp), 137 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác (THT).
Chú trọng chất lượng HTX đang được nhiều địa phương quan tâm để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả. |
Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.700 HTX (tăng 291 HTX, tương ứng tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng, số liên hiệp HTX tăng 23 (tăng khoảng 26,4%) và số THT tăng khoảng 2.000 (tăng 2,8%).
Chỉ tính riêng năm 2023, bên cạnh số HTX thành lập mới, để bảo đảm chất lượng, trên cả nước cũng đã giải thể 1.700 HTX hoạt động yếu kém, không hiệu quả, đã ngừng hoạt động.
Nhìn xuyên suốt từ 2013 - 2023, trung bình mỗi năm cả nước thành lập mới khoảng hơn 2.000 HTX. Như vậy, số lượng HTX tuy có tăng nhưng không đáng kể. Ngay như năm 2023, số HTX tăng so với năm 2022 chỉ khoảng 10%.
Điều đó cho thấy, trong những năm gần đây, các địa phương thay vì quá chú trọng vào việc tăng số lượng, đã quan tâm nhiều hơn đến phát triển, mở rộng quy mô thành viên HTX và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Cụ thể là trong hai năm 2021-2022, mỗi năm cả nước giải thể gần 500 HTX hoạt động yếu kém, không hiệu quả, đã ngừng hoạt động. Năm 2023, số lượng HTX giải thể cao vượt trội (1.700 HTX).
Dự kiến trong những năm tới, mỗi năm cả nước tăng khoảng gần 1.000 HTX nông nghiệp để đến hết năm 2025 có khoảng 22.000 HTX nông nghiệp (tốc độ tăng chậm hơn so với giai đoạn 2016-2020), nhưng quy mô thành viên và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp sẽ được mở rộng, củng cố và hoàn thiện hơn.
Chính vì không bỏ qua việc nâng cao chất lượng nên mô hình HTX nông nghiệp đã đạt được những hiệu quả tích cực và được đánh giá là đang đi theo hướng vững chắc.
Theo thống kê, hiện có khoảng 65% HTX nông nghiệp xếp loại khá, tốt theo Thông tư số 09 của Bộ NN&PTNT và trên 2.000 HTX nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Ngoài ra còn có 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX, 145 HTX nông nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu và 1.200 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 38% sản phẩm OCOP trên cả nước.
Số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, doanh thu bình quân của một HTX nông nghiệp đạt 2,86 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 378 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/năm.
HTX nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò với thành viên và phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua các hoạt động dịch vụ đầu vào và đầu ra, phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Chính điều đó đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về bản chất, vai trò, sự cần thiết của mô hình HTX nông nghiệp một cách đúng đắn. Từ đây cũng tạo tác động hai chiều khi giúp thành viên, hộ nông dân liên kết tốt hơn trong HTX, đưa HTX là mô hình giúp nông dân khởi nghiệp kinh doanh hiệu quả ngay tại nông thôn.
Thành lập HTX dựa trên nhu cầu của người dân
Hiện nay, HTX được coi là có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhưng để tiến chậm mà chắc, theo các chuyên gia, một trong những điều có thể áp dụng hiệu quả đó là chú trọng sáp nhập, hợp nhất các HTX nhỏ lẻ để mạnh về quy mô, lớn về nguồn vốn, số lượng thành viên.
TS. Ninh Đức Hùng, chuyên gia phát triển HTX và sản phẩm OCOP phân tích, nếu những hộ dân đang đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh nhờ liên kết và tham gia HTX thì tương tự vậy, nhiều HTX sáp nhập lại sẽ giúp mô hình HTX mới không bị nhỏ bé và khó khăn trong điều kiện mới của thị trường.
Ngoài việc liên kết các HTX thành liên hiệp HTX, thì xu hướng của các nước có mô hình HTX phát triển là hợp nhất, sáp nhập các HTX. Điều này giúp các HTX có quy mô lớn hơn, có vốn lớn để hoạt động hiệu quả, để cạnh tranh và tồn tại trên thị trường.
Song song với sáp nhập, hợp nhất HTX, để đảm bảo chất lượng, các địa phương không nên chạy theo những chỉ tiêu để hoàn thành chương trình nông thôn mới hay thành lập HTX chỉ để tiếp cận chính sách hỗ trợ, tham gia chương trình OCOP một cách máy móc. Thay vào đó, chỉ nên thành lập HTX ở những nơi có nhu cầu, nông dân tự nguyện đăng ký tham gia. Những người sáng lập HTX và tham gia bộ máy quản lý phải có uy tín trong cộng đồng, có điều kiện về kinh tế, có năng lực quản lý, điều hành, có kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh giỏi và tâm huyết.
Huyền Trang