Từ ngày 1/1/2025, các nhà sản xuất hữu cơ ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới sẽ phải tuân thủ đầy đủ tất cả các điều khoản và quy tắc của Quy định EU 2018/848 để tiếp tục cung cấp sản phẩm hữu cơ cho thị trường hữu cơ EU và Thụy Sĩ.
Không ít trở ngại
Việc kiểm soát quy định mới ở các nước thứ ba sẽ bắt đầu vào giữa năm 2024. Tuy nhiên nhiều HTX đứng trên cương vị là nhà sản xuất, xuất khẩu vẫn chưa biết về những thay đổi cần thiết này.
Như tại HTX Organic Homefarm tại (Tân Lạc, Hòa Bình) dù đang sản xuất nông sản hữu cơ và mong muốn được đẩy mạnh xuất khẩu nhưng các thành viên HTX cho biết chưa tìm hiểu sâu về quy định hữu cơ mới của EU. Nguyên nhân được đưa ra là vì HTX mới đang tập trung sản xuất theo quy trình chứng nhận hữu cơ TCVN 11041.
Bên cạnh việc chưa nắm bắt được những quy định mới, nhiều HTX sản xuất hữu cơ ở Việt Nam lại cảm thấy lo lắng trước những quy định khắt khe của thị trường châu Âu.
Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc HTX Tiến Thành T&T (Yên Bái) cho biết việc yêu cầu các nước xuất khẩu nông sản hữu cơ phải đảm bảo những yêu cầu mới được cho là nhằm đảm bảo mang lại sự công bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp ở chính các nước châu Âu. Vậy nhưng đây cũng là một thách thức lớn đối với các HTX, nhà sản xuất hữu cơ nhỏ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì họ có thể sẽ khó hoặc không thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu đặt ra.
Hỗ trợ các HTX, nông hộ sản xuất hữu cơ sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. |
Ngay như HTX Tiến Thành T&T dù đang nhận được sự hỗ trợ tích cực trong sản xuất, xuất khẩu quế, dược liệu hữu cơ nhưng một bài toán đặt ra với HTX chính là làm sao để giảm được tối đa việc sử dụng các loại túi nilon bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường và nâng cấp máy móc nhằm gia tăng giá trị bền vững. Trong khi đây đều là những quy định mà thị trường châu Âu quan tâm.
Nhiều nông hộ, HTX sản xuất hữu cơ cũng lo ngại rằng các quy định mới của châu Âu sẽ không khuyến khích người dân, HTX ở Việt Nam sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lý do được nông dân, HTX đưa ra chính là muốn đảm bảo được các tiêu chí khắt khe thì đồng nghĩa với việc HTX, doanh nghiệp phải tốn thêm nhiều chi phí để làm các xét nghiệm, chứng nhận. Và trong tương lai gần nhất là nhiều nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhỏ ở Việt Nam có thể lỡ hẹn với chứng nhận hữu cơ vào năm 2024-2025 vì áp lực chi phí.
Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần CamTa (Hà Giang), cho biết chi phí để có chứng nhận hữu cơ của EU hiện còn đắt đỏ, thường chỉ phù hợp với những đơn vị có lượng vốn lớn và mạnh. Đây chính là một trở ngại lớn cho các HTX cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra quy trình tiến hành kiểm định quá trình canh tác và cấp giấy chứng nhận sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ rất khắt khe, từ đất, nguồn nước, giống, cây trồng… Đi liền với đó, các quy định hữu cơ của thị trường châu Âu cũng thường xuyên thay đổi. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ đối với nông hộ, HTX sẽ gặp phải nhiều khó khăn phía trước.
Tận dụng cơ hội
Có lẽ những quy định khắt khe và thay đổi theo quy luật thời gian đang và sẽ tạo ra những bất lợi nhất định cho nông hộ, HTX và cả doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu.
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, châu Âu là thị trường nhập khẩu phần lớn nông sản hữu cơ của Việt Nam nhưng so với thực tế và nhu cầu thị trường thì nông sản hữu cơ của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn.
Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường EU khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản xuất khẩu. EU đang là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông sản Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ).
Theo đại diện của một số HTX, xuất khẩu sang EU vốn đã khó và khiêm tốn nên trước quy định hữu cơ mới của thị trường này, các HTX rất mong nhận được sự cung cấp, hỗ trợ bổ sung đáng kể từ các dự án, ban ngành, cơ quan quản lý để giúp nông dân, thành viên HTX thích nghi, nâng cao năng lực trong áp dụng những quy định mới nhằm tránh tình trạng nông sản nông sản bị loại, hay bị cảnh báo, trả về khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết EU vốn là thị trường rất khó tính. Các tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng hoá nhập khẩu, nhất là thực phẩm ngày một khắt khe. Ngoài những chứng chỉ, thị trường này còn yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhà xuất khẩu phải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, các yếu tố phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội…
Việc châu Âu đưa ra những quy định mới trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, sản phẩm hữu cơ có thể hiểu rằng đó là rào cản để ngăn chặn làn sóng hữu cơ từ bên ngoài nhằm bảo đảm cho người sản xuất hữu cơ ở chính các nước trong thị trường này. Nhưng xét cho cùng, muốn xuất khẩu, muốn khẳng định thương hiệu thì không còn cách nào, HTX, doanh nghiệp Việt phải bảo đảm được các yêu cầu mà thị trường châu Âu đặt ra. Bởi quy định, chứng nhận hữu cơ của châu Âu được đánh giá là nghiêm ngặt, chặt chẽ nhất hiện nay, nếu HTX, doanh nghiệp đáp ứng được cũng sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường khác.
Trong khi nhu cầu về thực phẩm, nông sản hữu cơ đối với thị trường châu Âu là không hề nhỏ, tạo dư địa lớn cho người dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam. Đối với ngành hữu cơ EU, chế độ nhập khẩu mới về trước mắt có thể dẫn đến việc giảm nguồn cung sản phẩm hữu cơ từ các thị trường xuất khẩu khác, làm gián đoạn thương mại và đẩy giá nông sản hữu cơ tại EU lên cao hơn. Chính vì vậy, các đơn vị sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam cần tận dụng điều này.
Huyền Trang