Nếu như giá măng cụt Thái Lan trên thị trường khoảng 55.000-65.000 đồng/kg, thì măng cụt Lái Thiêu (Bình Dương) hoặc được trồng ở Đồng Nai, các tỉnh miền Tây của Việt Nam thường có giá khoảng 105.000-140.000 đồng/kg khi đến tay người tiêu dùng.
Phụ thuộc vật tư, khó ứng dụng công nghệ
Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn (Bình Dương) cho biết, măng cụt là đặc sản của địa phương với những đặc tính khó có loại măng cụt nào sánh nổi như vị ngọt dịu thanh, giòn, cơm trắng mướt, vỏ mỏng. Nhưng do số lượng hạn chế, hay bị tác động bởi thời tiết, mất mùa, khó nhân giống và chăm sóc theo quy trình an toàn, hữu cơ với chi phí đầu vào tăng nên đẩy giá thành lên cao. Không chỉ năm nay mà mọi năm, giá măng cụt Lái Thiêu đều cao hơn so với măng cụt nhập từ nước ngoài.
Ông Viễn cũng cho biết, dù có nhiều ưu điểm nhưng khi so sánh với măng cụt Thái Lan, măng cụt Lái Thiêu vẫn bị lép vế vì vỏ ngoài thường bị rám, trông không đẹp mắt, quả nhỏ, nguồn cung không ổn định.
Không chỉ măng cụt Lái Thiêu mà khảo sát trên thị trường cho thấy, hầu hết các loại nông sản của Việt Nam đều có giá cao hơn từ 20-40% so với nông sản cùng loại nhập từ Trung Quốc, Thái Lan… Do đó nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn hàng nhập hơn hàng Việt đơn giản vì giá hợp lý hơn.
Ngay như sầu riêng, nhiều giống sầu riêng của Việt Nam hiện quả khá to, vỏ dày, giá bán đến tay người tiêu dùng khoảng trên 200.000 đồng/kg nhưng với những loại sầu mini nhập từ Thái Lan giá chỉ 90.000-100.000 đồng/kg. Hay các loại táo, lựu, quýt từ Trung Quốc cũng có giá chỉ 20.000-30.000 đồng/kg. Ngay trong siêu thị, các loại táo nhập khẩu từ Mỹ cũng có giá rất đa dạng, từ 35.000, 54.000 đến 99.000 đồng/kg.
Mức giá nhiều loại nông sản Việt cao hơn so với nông sản Thái, Trung Quốc… tạo thuận lợi cho người tiêu dùng bao nhiêu thì lại khiến nông dân, HTX gặp khó khăn bấy nhiêu, nhất là vấn đề cạnh tranh trên thị trường. Bởi hiện nay, không ít người tiêu dùng vẫn nhìn vào giá để đưa ra quyết định mua sản phẩm chứ không quan tâm quá nhiều đến xuất xứ.
Chi phí sản xuất cao là một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường. |
Trước thực trạng này, có thể thấy dù Việt Nam đang thu hái được những kết quả khả quan trong xuất khẩu nông sản thời gian gần đây nhưng có một nghịch lý đó là mức giá thành của các loại nông sản Việt vẫn còn cao. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất chính là nông dân, HTX đang phải đứng trước khó khăn về chi phí sản xuất lớn. Nếu như Trung Quốc tự sản xuất được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân, Thái Lan được Nhà nước hỗ trợ đắc lực về vật tư phục vụ sản xuất thì Việt Nam đang phải nhập khẩu vật tư từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 4/2024 cả nước nhập khẩu 495.103 tấn phân bón. Trong đó, nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc là chủ đạo và tiếp tục tăng 10,5% về lượng, tăng 57,9% kim ngạch và tăng 42,9% về giá so với tháng 3/2024, đạt 192.850 tấn, tương đương 63,12 triệu USD.
TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết nếu như Trung Quốc chủ động được vật tư đầu vào thì chi phí sản xuất nông nghiệp của họ chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng chi phí sản xuất.
Còn ở Việt Nam chi phí sản xuất luôn cao hơn 30% tổng chi phí sản xuất vì người dân, HTX bị phụ thuộc vật tư đầu vào. Ngay việc nhập khẩu vật tư đã khiến giá vật tư cao hơn, chưa kể rất ít nông dân, HTX chưa thể mua trực tiếp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mà phải qua các địa lý, nhà phân phối trung gian nhiều tầng bậc nên giá vật tư nông nghiệp nói chung mà nông dân Việt Nam phải trả giá cao gấp 3-5 lần ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giá nông sản của Việt Nam cao còn do Nhà nước mới tập trung vào sản xuất trong khi các nước như Trung Quốc, Thái Lan đã đầu tư mạnh vào công nghệ và kỹ thuật nông nghiệp.
Hầu hết nông dân, HTX ở các nước này rất thuận lợi trong ứng dụng công nghệ vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa nhờ có các học viện nghiên cứu về nông nghiệp được đặt ngay tại các vùng sản xuất để đảm bảo tính thực tiễn. Công nghệ đã giúp cho nông sản, sản phẩm chế biến của Trung Quốc, Thái Lan có năng suất cao, mẫu mã đẹp mà chi phí thì ngày càng giảm.
Còn tại Việt Nam, việc nông dân, HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất vẫn còn rất nhiều khó khăn vì không có các trung tâm nghiên cứu đặt gần kề các vùng sản xuất để giúp nông dân ứng dụng những công nghệ mới vào thực tiễn. Bên cạnh đó, các chính sách để hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất vẫn còn xa vời, chưa được sửa chữa, bổ sung kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Hà Nội) cho biết, HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định số 98 NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để đầu tư cho chế biến nông sản. Đây cũng là lý do khiến nông sản của HTX nói riêng, nông sản Việt nói chung khó giảm được giá thành và khó cạnh tranh trên thị trường.
Chi phí vận chuyển cao
Nông sản giá cao, khó cạnh tranh được các chuyên gia cho rằng còn nằm ở khâu vận chuyển của Việt Nam vẫn ở mức cao. PGS.TS nông nghiệp Lê Văn Hưng, chỉ ra rằng thời gian vận chuyển càng ngắn, đường càng đẹp thì nông sản càng đỡ hao hụt, hư hỏng. Ở Việt Nam, giao thông còn chưa hoàn thiện. HTX, nông dân, doanh nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc muốn tiêu thụ hàng hóa vào miền Nam cũng rất khó khăn.
Trong khi Tại Trung Quốc, hệ thống tàu điện, đường cao tốc kết nối hầu hết nông thôn với thành thị. Vùng sản xuất hàng hoá đã kết nối đến các cửa khẩu, cảng biển... Đây là một yếu tố tiên quyết cho việc giảm chi phí vận chuyển.
Chi phí vận chuyển cao đội giá thành của các mặt hàng nông sản lên cao. |
“Ở Việt Nam, nếu vận chuyển một kg rau củ quả từ Đà Lạt đến Hà Nội khoảng 4.000-5.000 đồng thì cùng quãng đường này ở Trung Quốc sẽ chỉ khoảng 1.000-2.000 đồng. Đấy là chưa kể đến việc họ có những nhà xưởng đóng gói, hệ thống kho lạnh bảo quản hàng hoá tốt nhờ áp dụng công nghệ nên chi phí thấp, hao hụt ít trong khi Việt Nam thì toàn làm thủ công”, PGS.TS nông nghiệp Lê Văn Hưng cho biết
Vì vấn đề vận chuyển, công nghệ bảo quản chưa hoàn thiện nên chuyện HTX không bảo đảm chất lượng nông sản, đội giá thành là không hiếm. Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng, cho biết vì giao thông, khâu vận chuyển chưa áp dụng công nghệ nên nếu không cẩn thận, sáng HTX ở Đà Lạt thu hoạch bắp cải nhưng chuyển đến TP.HCM buổi tối đã hư hỏng khoảng 10-20%.
Trong khi Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico (Bắc Giang) Nguyễn Thị Thành Thực chỉ ra rằng, thông thường nông sản của Trung Quốc mất 5-7 ngày từ khi thu hoạch đến khi xuất hiện ở TP.HCM vẫn tươi như bình thường, thậm chí không hao hụt chút nào.
Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân đang đội chi phí nông sản Việt lên cao khiến tình trạng khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa đang xảy ra. Nhất là khi cao điểm mùa thu hoạch trái cây đang chín rộ như hiện nay khiến nông dân, HTX không khỏi đau đầu.
Các nhà chuyên môn cho rằng, cần xem xét đến giá xăng dầu vì ở Trung Quốc, giá bán lẻ xăng dầu chỉ bằng 80% giá xăng dầu tại Việt Nam. Đây cũng là một yếu tố chính quyết định chi phí vận chuyển nông sản đắt hay rẻ.
Bên cạnh đó, PGS.TS nông nghiệp Lê Văn Hưng chỉ ra giá xe ô tô tại Trung Quốc, Malaysia… chỉ bằng 40 - 60% so với giá ô tô tại Việt Nam, dù là cùng một chiếc xe. Điều này không chỉ do họ là nơi sản xuất nên xe tải giá rẻ mà còn vì rất nhiều loại thuế nhập khẩu của Việt Nam khiến việc vận chuyển nông sản giá cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực.
Huyền Trang