TS. Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quy mô của khu vực kinh tế tập thể hiện chỉ bằng 40% khu vực kinh tế tư nhân, 10% khu vực kinh tế cá thể, 20% khu vực vốn đầu tư nước ngoài và 13,6% khu vực kinh tế nhà nước.
Hạn chế tiếp cận tín dụng khiến HTX chưa phát huy được thế mạnh
“Điều này cho thấy, khu vực kinh tế này chưa xứng với tiềm năng và thấp rất xa so với các nước trên thế giới. Năm 2020-2021 và cả năm 2022, dịch Covid-19 đã và tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, du lịch, nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vì bị tổn thương nặng nề”, TS Chí nói.
Việc khó khăn trong tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã đang khiến khu vực kinh tế này chưa thể bứt lên. |
Cũng theo đại diện Bộ KHĐT, hiện tại, số HTX siêu nhỏ với quy mô vốn dưới một tỷ đồng chiếm 46%, quy mô vốn từ 1-5 tỷ đồng chiếm 38% và chỉ có 2% số HTX có quy mô vốn trên 50 tỷ đồng. Theo đó, khu vực kinh tế này không thể cạnh tranh nổi khi nền kinh tế đang vào giai đoạn cuối của các hiệp định thương mại tự do và cũng không có vốn để đầu tư vào công nghệ trong nền kinh tế số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một trong những vấn đề nổi cộm, được nhiều HTX quan tâm là câu chuyện dư nợ tín dụng. Mặc dù, thời gian qua dư nợ tín dụng có xu hướng tăng, đặc biệt là sau quá trình chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2001-2021, khoản cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể đạt 68.878 tỷ đồng. Dư nợ đối với khu vực kinh tế tập thể đến năm 2021 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 162 tỷ đồng, chiếm 2,93% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, việc tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã còn rất hạn chế và có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại khi huy động vốn vay, từ phương án sản xuất kinh doanh không khả thi; không có tài sản đảm bảo vốn vay; hệ thống báo cáo tài chính chưa minh bạch, đầy đủ; tình hình tài chính và quản trị của hợp tác xã còn yếu… Điều này đang cản trở tới sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Một khảo sát của Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisein Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tiến hành khảo sát tại 48 hợp tác xã ở Hà Nội, Thái Nguyên và Trà Vinh mới đây cho thấy, yếu tố quan trọng nhất để tiếp cận vốn là lãi suất thấp, tiếp đến là không cần tài sản đảm bảo. Hầu hết hợp tác xã được khảo sát chỉ có khả năng tự lực vốn ở mức dưới 20%, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất hạn chế do không có tài sản bảo đảm, chỉ có khoảng 0,5% số hợp tác xã có đủ điều kiện tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng.
Thời điểm chín muồi để sửa đổi Luật Hợp tác xã
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề cương sửa Luật Hợp tác xã năm 2012 trên tinh thần bám sát vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể sẽ được ban hành trong thời gian tới. Đây là điều mà các HTX đang mong đợi và chờ đợi Luật sửa đổi sẽ sớm đi vào cuộc sống để khu vực kinh tế HTX bứt lên.
Đại diện Bộ KHĐT cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, thu hút khoảng 15% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, đóng góp trong GDP của kinh tế tập thể chiếm trên 20%; trên 85% HTX lĩnh vực phi nông nghiệp và trên 80% HTX lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 60% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, có khoảng 10.000 HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật HTX năm 2012.
Để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật HTX năm 2012.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, tại Việt Nam kinh tế tập thể, HXT mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, tăng cường sức mạnh của hợp tác quốc tế, cộng đồng, góp phần nâng cao quy mô và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau 10 năm thi hành Luật HTX, khu vực này đã có những chuyển biến tích cực về lượng và chất, khắc phục tình trạng hạn chế, tận dụng và khai thác dư địa, tiềm năng, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế cần được củng cố, phát triển tại văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, khu vực HTX phải tận dụng thời cơ, nắm lấy cơ hội, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác để tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn, mạnh đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích lớn hơn cho thành viên.
“Một trong các quan điểm lớn của sửa đổi Luật HTX lần này là phải giữ vững các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh hợp tác xã quốc tế đưa ra và tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới của khu vực và trên thế giới”, ông Đông nói.
Cục trưởng Cục Phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phùng Quốc Chí nói thêm rằng, Luật HTX (sửa đổi) được xây dựng theo các định hướng hoàn thiện các quy định về bản chất HTX; nghiên cứu hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức KTHT và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng.
“Sửa đổi các quy định đang gây cản trở HTX gia nhập và phát triển thị trường; nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất là một cơ quan Trung ương và các cơ quan chuyên trách ở địa phương”, Cục trưởng Cục Phát triển HTX nhấn mạnh.
Trà My