Mặc dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương mình, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Nút thắt lớn nhất hiện nay của sản phẩm OCOP là vấn đề nhà sản xuất liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường hoạt động kết nối
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, Liên minh HTX Việt Nam đã và đang thực sự trở thành đầu mối của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trong việc xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), HTX. Liên minh đã và đang triển khai các dịch vụ liên quan để tổ chức các sự kiện, làm dịch vụ công, xây dựng thương hiệu, đào tạo nghề, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ cho các HTX thành viên.
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao về kết nối cung cầu, bắt đầu từ năm 2017, Liên minh HTX Việt Nam đã tái khởi động lại chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), tổ chức các hội chợ và được triển khai rất mạnh, nhất là tại Hà Nội và Tp.HCM. Qua những lần tổ chức hội chợ kết nối cung cầu, cho thấy sức mua của người dân là rất lớn. Sản phẩm của các HTX tiêu thụ rất mạnh, thậm chí nhiều HTX ở các tỉnh xa như Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng không dám bán hết sản phẩm, bởi còn phải giữ lại sản phẩm mẫu để đánh giá, chấm điểm.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam đang rất tích cực giúp tháo gỡ điểm nghẽn lớn, là vốn và đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của kinh tế tập thể, HTX. “Về vốn thì Liên minh đã được Chính phủ giao 1.000 tỷ đồng để triển khai cho HTX vay thông qua quỹ tín dụng. Đầu ra thì chúng tôi đang rất tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức các hội chợ. Đặc biệt, chúng tôi đang tổ chức xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị bắt đầu từ năm 2016 và càng ngày chúng tôi càng triển khai mạnh. Riêng năm 2019 này, chúng tôi làm 63 chuỗi lớn và 27 chuỗi nhỏ. Sang năm 2020, Liên minh sẽ triển khai chuỗi mạnh hơn và khép kín từ sản xuất, đến thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ”, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cho biết.
Còn theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), do còn có những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cho nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.
Gian hàng OCOP tiêu biểu tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm |
Chú trọng chất lượng, mẫu mã
“Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết và vô cùng quan trọng. Việc ban hành các tiêu chí sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương” bà Nga cho biết.
Nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, từ năm 2018, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho 12 tỉnh xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất.
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước. Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương; tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương mong muốn các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Hà Nội, Tp.HCM để xây dựng các điểm trung chuyển, giới thiệu, bán hàng của các tỉnh để kết nối một cách thuận tiện nhất. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm một đầu mối mà kết nối được nhiều địa phương, nhiều sản phẩm chứ việc đến từng địa phương để tìm nguồn hàng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các HTX, nông hộ, các nhà sản xuất, chế biến ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, cần phải đặc biệt chú trọng đến mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì. Bởi đến thời điểm này, thị hiếu của người tiêu thụ kể cả trong và ngoài nước có nhiều thay đổi và có sự quan tâm đến mẫu mã sản phẩm.
“Nếu hàng hóa xuất bán ra thị trường quốc tế thì nhất thiết phải đưa chỉ dẫn địa lý và tên nước lên đầu tiên, chữ lớn, sau đó đến tên sản phẩm và tên HTX, đơn vị sản xuất. Còn bán trong nước thì tên tỉnh in lớn và đưa lên đầu tiên. Nhu cầu của người tiêu dùng muốn biết xuất xứ sản phẩm từ đâu, sau đó mới đến đơn vị sản xuất”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn góp ý.
Phạm Duy