Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế và đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp, làng nghề. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống được công nhận, với 50% lao động sống bằng nghề.
Điểm sáng về OCOP
Để tạo điều kiện cho nền sản xuất nông nghiệp của thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, Hà Nội đã sớm hoàn thiện việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch theo lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của thành phố. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
Thực hiện Chương trình OCOP, ngày 14/12 vừa qua, thành phố đã công nhận 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ đánh giá và xếp hạng 800 -1.000 sản phẩm. Hà Nội cũng định hướng đến năm 2020 tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh, tập trung, phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt 3% trở lên.
“Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng KH-KT và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống nông dân”, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, cho biết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan các gian hàng đạt OCOP năm 2019 |
OCOP là nền tảng cho xuất khẩu
Để quảng bá, tôn vinh, kết nối, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và làng nghề, thời gian qua Hà Nội thường xuyên tổ chức các hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản, tổ chức triển lãm, Festival để những nghệ nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 33 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam chuyển từ một đất nước thiếu ăn đến một đất nước không chỉ đủ ăn cho 100 triệu dân, mà còn trở thành một đất nước lớn thứ 15 trong xuất khẩu nông sản. Đến năm 2019 này, Việt Nam cán đích xuất khẩu nông sản đạt 41 tỷ USD tại thị trường 190 nước trên thế giới. Đây là thành tựu vô cùng quan trọng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự thực hiện của toàn thể người dân, các thành phần kinh tế, trong đó có sự vào cuộc tích cực của hơn 23 nghìn HTX.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan với kết quả đó, mặc dù hiện nay Việt Nam có tới 11 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên. Bởi lẽ, nhìn trên bình diện chung, sản xuất ở Việt Nam hộ nhỏ lẽ vẫn còn là chủ yếu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để vươn lên thì chúng ta phải làm tốt các chương trình: Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình xây dựng NTM chúng ta đã làm tốt rồi nhưng phải làm tốt hơn nữa. Phải xác định 3 trục sản phẩm, là: Những mặt hàng chủ lực như gỗ cán đích gần 11,5 tỷ USD thì phải tiếp tục làm thật tốt. Ở địa phương thì có các mặt hàng cấp tỉnh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn, na Chi Lăng cần phát huy hiệu quả, thế mạnh... Thứ 3 là chúng ta phải thực hiện tốt OCOP.
“Việt Nam chúng ta có 8.909 xã, ở đâu cũng có đặc sản thì phải tập trung khai thác tốt thế mạnh đó là OCOP. Từng bước sản xuất công nghệ cao để trở thành hàng hóa phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho xuất khẩu với các sản phẩm là nông sản và sản phẩm làng nghề để cố gắng đến năm 2020 toàn quốc có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để phát triển kinh tế nông thôn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phạm Duy