Trong bài viết mới gửi tạp chí Kinh Doanh, ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX TP Đà Nẵng, khẳng định Luật HTX năm 2012 được ban hành, có hiệu lực và đi vào cuộc sống đã mang đến sự đổi mới khá toàn diện đối với KTTT, HTX trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt Luật HTX năm 2012 đã xác lập được mô hình HTX kiểu mới với bản chất và đặc điểm ưu việt hơn so với HTX kiểu cũ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Luật HTX năm 2012 vẫn còn có một số vấn đề hạn chế, bất cập, trở thành rào cản phát triển của HTX, Liên hiệp HTX.
Lộ diện những hạn chế, bất cập
Trước hết, Luật HTX năm 2012 mặc dù đã quy định về góp vốn của thành viên và quy định cụ thể về mức vốn góp tối đa của thành viên nhưng không quy định cụ thể về mức vốn góp tối thiểu nên trong thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, do chưa quy định cụ thể mức vốn góp tối thiểu của thành viên, HTX thành viên (gọi chung là thành viên) nên trong thực tế, một bộ phận thành viên chỉ góp vốn mang tính hình thức, không trở thành người chủ thực sự của HTX, Liên hiệp HTX, dẫn đến mối quan hệ giữa thành viên và HTX, Liên hiệp HTX không gắn bó chặt chẽ, quyền làm chủ của thành viên không được phát huy, tổ chức kinh tế không còn mang bản chất của KTTT mà trở thành tổ chức kinh tế gia đình, tổ chức kinh tế tư nhân, chỉ một vài thành viên có quan hệ nhân thân với nhau thực sự góp vốn, còn lại các thành viên khác chỉ góp vốn mang tính hình thức, nhằm “lách luật”, tranh thủ hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Luật HTX 2012 không quy định cụ thể về mức vốn góp tối thiểu nên trong thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. (Trong ảnh: Mô hình sản xuất của HTX La Hường - Đà Nẵng). |
Nếu xét về bản chất, thì KTTT trước hết mang bản chất kinh tế. Bản chất kinh tế suy cho cùng là nói đến vấn đề sở hữu và lợi ích, chủ thể tham gia tổ chức kinh tế phải góp vốn để xác lập quyền sở hữu, quyền lợi ích và tư cách thành viên của mình. Bản chất kinh tế là vậy nên bản chất KTTT cũng vậy. Tuy nhiên, ngoài mang bản chất kinh tế thì KTTT còn có những đặc điểm riêng mang bản chất KTTT mà Luật HTX năm 2012 đã thể hiện, thông qua quy định về góp vốn của thành viên và quy định cụ thể về mức vốn góp tối đa của thành viên, gắn với quy định về cơ chế quản lý dân chủ và bình đẳng trong HTX, liên hiệp HTX. Bản chất KTTT đã được phản ánh rõ nét, chỉ có vấn đề Luật chưa quy định cụ thể mức vốn góp tối thiểu của thành viên nên trong thực tế đã nảy sinh tình trạng một bộ phận thành viên trong HTX góp vốn hình thức.
Nếu nói đến vấn đề nhận thức, trước hết chúng ta phải xác định HTX, tổ hợp tác (THT), Liên hiệp HTX là tổ chức KTTT vừa mang bản chất kinh tế nói chung, vừa mang bản chất KTTT nói riêng, trong đó THT là mô hình kinh tế chưa có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, không vì mang bản chất KTTT mà Luật không quy định cụ thể về “mức vốn góp tối thiểu của thành viên”, mục đích là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút, phát triển thành viên nhưng trong thực tế lại nảy sinh vấn đề bất cập, hạn chế, trở thành rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX.
Thứ hai là vấn đề quy định thành viên. Nếu xét về tôn chỉ, mục đích hoạt động của HTX, THT, Liên hiệp HTX (sau đây gọi chung là tổ chức KTTT), thì bên cạnh việc thực hiện mục tiêu kinh tế, các tổ chức KTTT luôn hướng đến thực hiện mục tiêu xã hội về phát triển thành viên, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, để các tổ chức KTTT tự thân vận động, trên cơ sở coi trọng lợi ích, nhu cầu chung của thành viên làm mục tiêu, động lực phát triển thì việc phát triển thành viên của tổ chức KTTT là công việc có nhiều khó khăn.
Việc phát triển thành viên tổ chức KTTT càng nhiều thì lợi ích cộng đồng mang lại càng lớn, điều đó chứng tỏ sự thành công của mô hình và sức sống của tổ chức KTTT. Đây là mô hình KTTT kiểu mới nói chung, mà nòng cốt là HTX kiểu mới mà chúng ta đang hướng đến xây dựng. Tuy nhiên, việc phát triển thành viên tổ chức KTTT đòi hỏi phải được làm rõ về các hình thức đối tượng thành viên, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bất cập, không rõ ràng về vai trò, vị trí của mỗi hình thức đối tượng thành viên, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của một bộ phận thành viên, tạo ra sự xáo trộn, trở ngại đến sự phát triển của tổ chức KTTT.
Việc phát triển thành viên tổ chức KTTT càng nhiều thì lợi ích cộng đồng mang lại càng lớn. (Trong ảnh: Mô hình sản xuất công nghệ cao Túy Loan - Đà Nẵng). |
Qua nghiên cứu thực tế thì hiện nay có 2 hình thức đối tượng thành viên chủ yếu, đó là “thành viên góp vốn” và “thành viên liên kết, hợp tác”. Hai đối tượng thành viên này cần được làm rõ về vai trò, vị trí của mỗi hình thức đối tượng thành viên để tạo điều kiện cho tổ chức KTTT phát triển. Trong đó cần lưu ý: Thành viên góp vốn là thành viên được quyền tham gia quản lý tổ chức KTTT. Thành viên liên kết, hợp tác là thành viên không tham gia góp vốn và không được quyền tham gia quản lý tổ chức KTTT, chỉ thực hiện việc liên kết, hợp tác với tổ chức KTTT trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của nhau được hai bên thỏa thuận ký kết hợp tác. Thành viên liên kết, hợp tác là đối tượng thành viên tiềm năng để tổ chức KTTT phát triển thành thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho tổ chức KTTT phát triển vững chắc từng bước từ thấp đến cao.
Vì vậy, vấn đề quy định các hình thức đối tượng thành viên và làm rõ vai trò, vị trí của mỗi hình thức đối tượng thành viên là cần thiết.
Thứ ba là vấn đề quy định số lượng thành viên. Số lượng thành viên tối thiểu để thành lập tổ chức KTTT là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc thành lập và hoạt động khi mới thành lập của tổ chức KTTT. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đề cập đến đối tượng thành viên góp vốn.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, số lượng thành viên tối thiểu để thành lập HTX, Liên hiệp HTX theo quy định hiện nay là vẫn còn nhiều, do việc tuyên truyền, vận động, thu hút đủ số lượng thành viên tối thiểu để thành lập HTX, liên hiệp HTX là rất khó khăn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX mới thành lập phát triển năng động và hiệu quả. Ông cha ta thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”, nghĩa là mọi việc khi mới bắt đầu đều gặp nhiều khó khăn, thử thách, không hề dễ dàng và suôn sẻ. Hơn nữa, vấn đề quy định về số lượng thành viên (góp vốn) tối thiểu để thành lập HTX, Liên hiệp HTX lại có mối quan hệ chặt chẽ với việc quy định về mức vốn góp tối đa và tối thiểu của thành viên nên cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan và khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập HTX, liên hiệp HTX và tạo điều kiện cho HTX, Liên hiệp HTX mới thành lập phát triển năng động, hiệu quả và bền vững.
Thứ tư là vấn đề hỗ trợ của Nhà nước. Muốn nói đến sự hỗ trợ của Nhà nước đối với KTTT, trước hết cần quan tâm đến vấn đề về phát triển thành viên của tổ chức KTTT, bởi lẽ việc phát triển thành viên tổ chức KTTT có ý nghĩa lớn đến lợi ích cộng đồng, góp phần thực hiện an sinh xã hội theo hướng bền vững, đây là điểm khác biệt của tổ chức KTTT so với các hình thức tổ chức kinh tế khác. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc phát triển thành viên của tổ chức KTTT là công việc có nhiều khó khăn. Mặt khác, KTTT phần lớn thu hút đối tượng yếu thế trong xã hội tham gia tổ chức KTTT, nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho họ. Vì vậy, KTTT rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó vấn đề thu hút, phát triển thành viên (bao gồm cả thành viên góp vốn và thành viên liên kết, hợp tác) của tổ chức KTTT cần được quan tâm để làm tiêu chí, căn cứ ưu tiên trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nên chăng, cần có quy định khung pháp lý nền tảng trong Luật HTX về vấn đề này để tạo điều kiện cho KTTT phát triển.
Bên cạnh đó, Luật HTX năm 2012 có những quy định khác còn bất cập, hạn chế tạo ra khó khăn, rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX cần được tháo gỡ, sửa đổi, như: Quy định chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, Liên hiệp HTX trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e) khoản 1 Điều 16 Luật HTX năm 2012. Quy định về nguyên tắc phân phối thu nhập tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012. Hay như quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và đã được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ.
Tháo rào cản và vá “lỗ hổng”
Từ những hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc đã nêu, qua nghiên cứu thực tế tình hình KTTT, HTX tại địa phương, Liên minh HTX TP Đà Nẵng đề xuất cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật HTX năm 2012 để mô hình HTX kiểu mới phát triển bền vững.
Theo đó, cần bổ sung quy định về tổ chức KTTT: Tổ chức KTTT là mô hình kinh tế có sự tách bạch về tài sản cá nhân của các thành viên góp vốn và tài sản chung (tài sản không chia) của tổ chức KTTT; Tổ chức KTTT gồm có: HTX, THT, Liên hiệp HTX. Tổ chức KTTT chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số tài sản được hình thành từ vốn góp của thành viên. Tổ chức KTTT được thuê và sử dụng người lao động để làm việc trong tổ chức bộ máy điều hành của tổ chức KTTT theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm tính minh bạch về tình hình tổ chức, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, tình hình góp vốn của thành viên, tình hình phát triển thành viên, kết quả sản xuất kinh doanh thì hằng năm, tổ chức KTTT có trách nhiệm thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật (nhiệm vụ này có thể giao hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện) để làm cơ sở pháp lý cho việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển KTTT, về khen thưởng và về tiếp cận các nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của tổ chức KTTT.
Thứ hai, đề xuất tích hợp quy định THT vào Luật HTX và bổ sung quy định về THT: THT là tổ chức KTTT, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 02 thành viên tham gia góp vốn điều lệ thành lập THT để hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý THT.
Vốn góp của thành viên THT thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ (nếu có) nhưng thành viên góp vốn tối đa không quá 90% và thành viên góp vốn tối thiểu không dưới 10% vốn điều lệ của THT. Cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy điều hành THT do các thành viên góp vốn của THT quyết định. THT là đối tượng được hỗ trợ để phát triển thành HTX.
Thứ ba, bổ sung quy định về các hình thức đối tượng thành viên của tổ chức KTTT: Các hình thức đối tượng thành viên của tổ chức KTTT gồm có thành viên góp vốn và thành viên liên kết, hợp tác.
Trong đó, thành viên góp vốn là thành viên được quyền tham gia quản lý tổ chức KTTT. Mọi quyết định của tổ chức KTTT được biểu quyết theo nguyên tắc đa số, hình thức biểu quyết do điều lệ tổ chức KTTT quy định. Mỗi thành viên góp vốn được quyền biểu quyết 01 phiếu. Đối với HTX, Liên hiệp HTX: Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên, HTX thành viên hoặc đại biểu thành viên. Đối với THT: Phiếu biểu quyết có giá trị theo số vốn góp của thành viên (do hình thức tổ chức kinh tế giản đơn để từng bước phát triển thành HTX và do thành viên góp vốn tối thiểu thành lập THT có 02 thành viên), không phụ thuộc chức vụ thành viên và đại biểu thành viên. Tư cách thành viên góp vốn được xác lập sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn theo quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức KTTT quy định. Nếu thừa vốn trong quá trình tích lũy vốn điều lệ của thành viên từ việc phân phối thu nhập tăng hơn so với quy định vốn góp tối đa thì trả lại phần vốn thừa cho thành viên; nếu thiếu vốn so với quy định vốn góp tối thiểu do quá trình tích lũy vốn điều lệ của các thành viên khác hoặc do huy động tăng vốn điều lệ thì thành viên có trách nhiệm bổ sung phần vốn thiếu để đảm bảo tư cách thành viên đầy đủ, nếu không thành viên trở thành thành viên tư cách hạn chế, không còn quyền tham gia quản lý tổ chức KTTT. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào tổ chức KTTT.
Thành viên liên kết, hợp tác là thành viên không tham gia góp vốn và không được quyền tham gia quản lý tổ chức KTTT, chỉ thực hiện việc liên kết, hợp tác với tổ chức KTTT trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của nhau thông qua thủ tục hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác được hai bên ký kết. Thành viên liên kết, hợp tác là đối tượng thành viên tiềm năng để tổ chức KTTT phát triển thành thành viên góp vốn.
Thứ tư, sửa đổi quy định về số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập HTX, Liên hiệp HTX, gắn với sửa đổi, bổ sung quy định về mức vốn góp tối đa và tối thiểu của thành viên HTX, Liên hiệp HTX.
Theo đó, số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập HTX là 05 thành viên, mức vốn góp tối đa của thành viên là không quá 25% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của thành viên là không dưới 10% vốn điều lệ của HTX.
Với liên hiệp HTX, số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập liên hiệp HTX là 03 HTX thành viên, mức vốn góp tối đa của HTX thành viên là không quá 40% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của HTX thành viên là không dưới 20% vốn điều lệ của liên hiệp HTX.
Thứ năm, bổ sung quy định khung pháp lý nền tảng trong Luật về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển KTTT, trong đó ưu tiên áp dụng tiêu chí phát triển thành viên (bao gồm cả thành viên góp vốn và thành viên liên kết, hợp tác) của tổ chức KTTT, dựa trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển thành viên của tổ chức KTTT đã được giao qua các năm liền kề hoặc đối với HTX, liên hiệp HTX có quy mô thành viên đủ lớn (được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn dưới luật) để các cấp, các ngành căn cứ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT thuộc thẩm quyền.
Thứ sáu, bỏ quy định về chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e) khoản 1 Điều 16 của Luật HTX năm 2012.
Lý do là tư cách thành viên đã được xác lập qua việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn khi tham gia HTX, Liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật và điều lệ HTX, Liên hiệp HTX quy định. Mặt khác, quy định này đã tạo ra khó khăn, rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX.
Thứ bảy, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX phát triển, cần sửa đổi quy định về nguyên tắc phân phối thu nhập cho thành viên tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012 theo nguyên tắc: Chủ yếu theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm; theo số vốn góp của thành viên, HTX thành viên (gọi chung là thành viên góp vốn); Phần còn lại được chia theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, HTX thành viên.
Lý do là tư cách thành viên đã được xác lập qua việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn khi tham gia HTX, Liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật và điều lệ HTX, Liên hiệp HTX quy định. Mặt khác, quy định này đã tạo ra khó khăn, rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX.
Cuối cùng, cần bỏ quy định về tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của HTX, Liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ.
Về mặt hình thức, quy định này quy định cho khách hàng không phải là thành viên nhưng thực chất là quy định ràng buộc trách nhiệm của thành viên trong việc sử dụng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của HTX, Liên hiệp HTX, mà qua nghiên cứu tình hình thực tế đã thấy rõ nên quy định này mang tính áp đặt chủ quan, không tuân theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường, tạo ra khó khăn, rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX. Nếu Luật bổ sung quy định về các hình thức đối tượng thành viên của tổ chức KTTT và làm rõ vai trò, vị trí của mỗi hình thức đối tượng thành viên thì việc sử dụng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của HTX, Liên hiệp HTX tự nhiên sẽ được giải quyết theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Vì vậy, vấn đề này không nên quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật như hiện nay.
Phạm Công Chính
Chủ tịch Liên minh HTX TP Đà Nẵng