Thời báo Kinh Doanh trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trong đó nêu bật vấn đề rất cần luật chuyên ngành cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan thăm khu nông nghiệp ứng dụng CNC thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình |
Nút thắt và điểm nghẽn
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp Đồng Tháp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ thông qua việc tập trung thực hiện 6 tiêu chí tiên quyết: "Hợp tác, Liên kết, Thị trường" và "Giảm chi phí, Tăng chất lượng, Chế biến tinh" và thực tế đã minh chứng rằng tỉnh đã tìm ra đúng giá trị cốt lõi từ những điều ấy để nông sản Đồng Tháp không bị "cuốn" vào phong trào "giải cứu".
Như Thủ tướng đã thấy, tháo gỡ hai nút thắt "chi phí cao" và "chất lượng kém" sẽ không thể làm được nếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát dẫn đến nông sản kém sức cạnh tranh và thiếu sức mạnh trong đàm phán. Kinh nghiệm cho thấy HTX là phương thức duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, doanh nghiệp và cả nền nông nghiệp.
Quyết định số 461/ QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 cho thấy Chính phủ cũng rất xem trọng kinh tế hợp tác và kỳ vọng rất lớn vào sự đóng góp của HTX nông nghiệp đối với nền nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp có thể phát triển cả về "chất" và "lượng" như sự mong đợi thì cần phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn mà các HTX đang đối mặt.
Thứ nhất, năng lực quản trị HTX nông nghiệp còn yếu. Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, nguồn nhân lực (nhất là đội ngũ lãnh đạo của HTX) phục vụ cho HTX kiểu mới không chỉ có kinh nghiệm về sản xuất, mua bán đơn thuần mà còn phải có nền tảng kiến thức về nhiều lĩnh vực như: kinh tế nông nghiệp, tiếp thị, xây dựng chiến lược, công nghệ, kỹ năng đàm phán, văn hóa cộng đồng, đạo đức kinh doanh, làm việc nhóm, mà quan trọng nhất là phải "thẩm thấu" được kiến thức về kinh tế hợp tác (không đơn thuần như mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là lợi nhuận, mục tiêu hàng đầu của HTX trong bối cảnh hiện nay là phục vụ "lợi ích chung" của thành viên HTX, trong đó cốt lõi nhất là tiêu thụ nhiều sản phẩm với giá tối ưu).
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên không thể thực hiện "một sớm, một chiều" mà cần phải có chiến lược lâu dài và ban hành khung pháp lý để tạo tiền đề ban hành các chính sách hỗ trợ.
Mô hình Canh tác lúa lý tưởng ở Đồng Tháp đang được nhân rộng ra nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long |
Thứ hai, nguồn lực tài chính của HTX nông nghiệp còn hạn chế. Nhiều HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả và mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hay các nguồn quỹ tín dụng khác do không thể đáp ứng điều kiện "thế chấp" trong khi HTX nông nghiệp chưa có tài sản riêng (HTX nông nghiệp không đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên chưa thể tích lũy quỹ đầu tư phát triển). Trong khi đó, đáng buồn thay là khi thảo luận với các ngân hàng và quỹ tín dụng về việc hỗ trợ HTX nông nghiệp thì luôn nhận được câu trả lời: "không tài sản thì không thể vay và phải tuân theo theo các quy định về tín dụng".
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp cũng đang phải chịu các loại thuế như là một doanh nghiệp (ví dụ như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) làm giảm đi thu nhập của HTX nông nghiệp và gây khó khăn trong các hoạt động chi của HTX nông nghiệp, đồng nghĩa với việc khả năng tồn tại của các HTX nông nghiệp là rất thấp.
Thực tế cho thấy, nhiều HTX nông nghiệp mới thành lập không đủ nguồn lực tài chính để chi trả lương cho bộ máy quản trị và Đồng Tháp hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp ban giám đốc làm việc vì tâm huyết với ngành nông nghiệp, với bà con nông dân mà không nhận lương, tuy nhiên không thể kéo dài mãi.
Hiện đang có chính sách hỗ trợ nhân lực (hỗ trợ lương trong thời gian nhất định) về các HTX nông nghiệp nhưng đó chưa phải là căn cơ, thay vào đó nên có những chính sách riêng cho HTX nông nghiệp để các HTX nông nghiệp có thể "tự đi trên đôi chân" của mình thì mô hình kinh tế hợp tác mà chúng ta đang dày công xây dựng mới thực sự bền vững.
Thứ ba, một số nội dung trong các Nghị định, Thông tư chưa tạo động lực cho HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Ví dụ như, Khoản 1, điều 1 Nghị định 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ quy định "tỷ lệ cung ứng dịch vụ ngoài thành viên bị giới hạn trong phạm vi không quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm dịch vụ của HTX". Điều này hạn chế khả năng hoạt động và phát huy thế mạnh của HTX và áp dụng không hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ (sử dụng các dịch vụ có thế mạnh lẫn nhau) giữa các HTX nông nghiệp với nhau mà Đồng Tháp đang khuyến khích.
Ví dụ khác là Thông tư số 09/2017/ TT-BNNPTNT ngày 17/04/2017 của Bộ NN&PTNT về việc "Hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp", trong đó tiêu chí về doanh thu của HTX nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Thực tế ở Đồng Tháp chứng minh rằng mang về doanh thu cao không đồng nghĩa với việc mang lại sự hài lòng cho người dân, mà đòi hỏi tiên quyết là làm thế nào HTX nông nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân với giá tốt nhất.
Cần chính sách đặc thù
Những phân tích ở trên chỉ là một số điểm nghẽn, khó khăn điển hình mà các HTX nông nghiệp đang gặp phải. Đồng Tháp luôn tâm niệm rằng mục tiêu cốt lõi và tiên quyết của HTX nông nghiệp là làm thế nào để liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chất lượng cho bà con nông dân với giá tốt nhất, không vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi việc phục vụ lợi ích cho bà con nông dân.
Luật HTX 2012 ra đời đã tạo nền tảng cho việc hình thành và phát triển các HTX kiểu mới, đặc biệt có những quy định ưu đãi đối với HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, những quy định đó dường như vẫn chưa đủ và chưa thật rõ ràng để giúp cho các ngành, địa phương có đủ tự tin và cơ sở pháp lý để ra quyết định hỗ trợ cho bà con nông dân thông qua các HTX nông nghiệp.
Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để giúp bà con nhận thức ra vấn đề "đâu là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, đâu là trách nhiệm của bà con". Bà con đã chấp nhận thay đổi rồi và đã "quay lại" tham gia HTX nông nghiệp với mình thì không thể để bà con lại băn khoăn, lại ngán ngại thì công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ bị lỗi nhịp.
Chúng tôi tin rằng một khi mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp phát triển hiệu quả sẽ góp phần đáng kể vào "dư địa" của ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt phải có những chính sách riêng biệt cho HTX nông nghiệp.
Từ những lý do trên, Đảng bộ, chính quyền và bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Luật chuyên ngành về HTX nông nghiệp hoặc tạm thời ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp.
Lê Minh Hoan Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp