Công tác thu gom rác thải được HTX thực hiện hiệu quả |
Để thuận tiện trong công tác quản lí và hoạt động, HTX đã chia thành 2 tổ. Một tổ chuyên trồng dâu nuôi tằm, một tổ chuyên về thu gom rác thải.
Giải quyết khó khăn rác thải
Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là một thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường cũng như sự phát triển kinh tế của người dân và của chính HTX. Bởi vậy, việc tổ thu gom rác thải của HTX đi vào hoạt động chính là giải pháp cho tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra ở địa phương.
Với đặc điểm địa phương có 98% người dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, suy nghĩ “trước giờ vứt rác ra đường, ra vườn vẫn sống tốt” đã ăn sâu vào tiềm thức nên việc vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường là điều vô cùng cần thiết.
Nhờ liên kết với hội phụ nữ và đoàn thanh niên xã, công tác vận động và lấy gương điển hình được triển khai để từ từ thuyết phục các hộ dân tham gia đã mang lại những tín hiệu tích cực. Các thành viên của tổ thu gom rác cũng tuyên truyền cho bà con biết cách phân loại rác không thể tái chế và rác có thể tái chế đẻ hạn chế rác thải thu gom.
Với kinh phí chỉ 10.000 đồng/hộ/tháng, việc thu gom rác thải đều đặn đã giúp các hộ dân thấy được sự tiện lợi, gọn gàng, khi không phải đốt rác hoặc gặp tình trạng rác ứ đọng vào mùa mưa, rác bừa bãi từ trong nhà ra ngoài cổng như trước kia. Đường đi lối lại, buôn làng sạch sẽ, người dân dần ý thức hơn trong việc tập trung rác thải sinh hoạt, nhắc nhở nhau không được xả rác bừa bãi.
Hiện, HTX được địa phương giao quản lí lò đốt rác được xây dựng ở làng Klah Nhân. Rác sau khi thu gom sẽ được vận chuyển về đây để xử lý. Đây là lò đốt rác do huyện Chư Sê đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Hoạt động thu gom rác của HTX không chỉ giải quyết lượng rác trên địa bàn mà còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
Đẩy mạnh sản xuất
Bên cạnh làm tốt công tác thu gom rác thải, HTX cũng không quên phát triển sản xuất. Đây là mảng mang lại nguồn thu chính cho HTX.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm được thực hiện với 6 hộ gia đình (có 3 hộ thanh niên) với quy mô 2ha. Ngoài được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ cây giống, phân bón, các hộ tham gia mô hình còn được đi tham quan và học hỏi kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng).
Chỉ sau gần một năm chăm sóc, diện tích cây dâu tằm của các thành viên đã cho thu hoạch lá, phục vụ việc nuôi tằm. Theo tính toán của HTX, điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, độ ẩm tại địa phương khá phù hợp với cây ăn quả lâu đời và trồng dâu nuôi tằm. Đây chính là nền tảng để HTX mở rộng sản xuất.
Tới nay, lượng kén tằm đầu tiên của HTX đã cho thu hoạch, sản lượng trên 8 tạ. Với mức giá trung bình khoảng 120 nghìn đồng/kg, bước đầu mô hình trồng dâu nuôi tằm của HTX mang lại cho người dân thu nhập trên 104 triệu đồng.
Nghề trồng dâu nuôi tằm có nhiều ưu thế như chi phí đầu tư cho quá trình sản xuất thấp, vòng quay thu hồi vốn nhanh, vì vậy rất phù hợp với đời sống sinh hoạt và điều kiện kinh tế của thành viên và người dân.
Hiện nay, HTX đang đẩy mạnh liên kết với các đối tác, xin hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ các thành viên sản xuất và ổn định đầu ra. Nếu phát triển thuận lợi, đến năm 2020, HTX sẽ mở rộng liên kết với các hộ phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ dâu tằm.
Mô hình sản xuất này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trồng dâu nuôi tằm còn giúp khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, nhất là những diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, ngập úng không mang lại hiệu quả kinh tế trước đây giờ lại phát huy được thế mạnh.
Huyền Trang