Linh hoạt từ huy động đến cho vay vốn
Ông Ngô Văn Hiến ở xóm 5, xã Xuân Tiến, khách hàng gắn bó với quỹ TDND Xuân Tiến hơn 15 năm qua cho biết, mỗi tháng gia đình ông nhập hơn 15 -16 tấn nhôm nguyên liệu để sản xuất bản lề cửa. Doanh thu hàng năm đạt 12 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 18 công nhân với thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Có được thành quả trên, phải kể đến nguồn vốn 1 tỷ đồng từ quỹ đã giúp ông đầu tư máy móc trang thiết bị cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Năm nay gia đình tôi tiếp tục đầu tư chuyển xưởng sản xuất ra cụm công nghiệp Xuân Tiến để mở rộng quy mô sản xuất, ngành hàng với tổng mức đầu tư 4-5 tỷ đồng và dự kiến sẽ làm hồ sơ, thủ tục vay từ quỹ TDND”, ông Hiến cho biết.
Không chỉ có gia đình ông Hiến mà nhiều hộ làm nghề cơ khí khác ở xã Xuân Tiến đều được quỹ TDND Xuân Tiến hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Đinh Viết Trinh ở xóm 7, xã Xuân Tiến chia sẻ, từ 1 tỷ đồng vốn vay từ quỹ, gia đình đã đầu tư xây dựng xưởng đúc đồng mỹ nghệ mới với công nghệ hiện đại, lò đúc điện, máy mài và máy hàn cầm tay điện các loại...
"Nhờ sự hỗ trợ của quỹ TDND, các sản phẩm không ngừng được hoàn thiện chất lượng, nâng cao độ tinh xảo nên thu hút thêm các đơn đặt hàng mới, tăng thu nhập của người lao động bình quân 1 ngày công từ 250-300 nghìn đồng/người." ông Tiến nói.
Tính đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn huy động gửi tiết kiệm của Quỹ TDND Xuân Tiến đạt hơn 281 tỷ đồng, doanh số chi trả là hơn 227 tỷ đồng. Dư nợ cho vay là hơn 201 tỷ đồng, tăng trên 54 tỷ đồng so với năm 2018. Trong 4 tháng qua, dù dịch Covid – 19 diễn ra gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng Quỹ vẫn tiếp tục giải ngân cho hơn 100 lượt khách hàng, huy động vốn đạt 223 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 196 tỷ đồng.
Khách hàng đến giao dịch tại quỹ TDND Xuân Tiến |
Tính đến thời điểm này, quỹ có tổng số 765 thành viên. Để đạt được những kết quả như trên, quỹ TDND Xuân Tiến luôn bám sát sự chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định và có điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý, linh hoạt, phù hợp với quy định của pháp luật theo từng thời điểm.
Để làm việc có hiệu quả, theo chia sẻ từ ban giám đốc, ngay từ những năm trước, ban giám đốc đã lựa chọn tuyển dụng những người trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn về làm việc, đồng thời tiếp tục cử đi đào tạo các lớp ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ trước đây để đảm bảo đủ năng lực và tâm huyết phục vụ tốt cho công việc. Cán bộ, nhân viên của Quỹ luôn chấp hành đúng chế độ, duy trì việc kiểm kê quỹ sau khi khóa sổ ngày, việc quản lý chứng từ và mở sổ sách theo dõi, tổ chức kiểm kê luôn được thực hiện đúng quy định. Nhờ vậy, trong năm 2019, số lượng tiền mặt thu chi qua quỹ nghiệp vụ xấp xỉ 621 tỷ đồng nhưng không có sai sót, nhầm lẫn và mất tiền xảy ra.
Đổi mới phương thức để phục vụ người dân
Ông Đinh Xuân Thành, Giám đốc quỹ TDND Xuân Tiến cho biết, để đảm bảo khách hàng được đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển kinh tế, những năm qua, quỹ luôn tập trung đổi mới phương thức cho vay, cử cán bộ tín dụng xuống cơ sở tiếp cận trực tiếp tới các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ tiểu thương và các chủ trang trại, gia trại... để thẩm định tính khả thi của dự án, xem xét và đánh giá mục đích sử dụng vốn vay. Chủ động tư vấn, cung cấp thông tin liên quan để khách hàng lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó xác định mức cho vay và thời điểm giải ngân thích hợp.
'Đối với khách hàng là các doanh nghiệp, quỹ chỉ đạo nâng cao chất lượng phân tích các báo cáo tài chính, xác định giá trị tài sản bảo đảm và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ vay vốn. Mặt khác, luôn coi trọng công tác kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm những món vay có khả năng phát sinh thành nợ xấu. Vì vậy, nhiều năm qua, quỹ TDND Xuân Tiến không có nợ quá hạn.' ông Thành nói.
Bên cạnh đó, quỹ là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nhằm tăng năng suất, chất lượng lao động. Công tác chuyển tiền điện tử CF-E bank, bảo hiểm tiền gửi cũng được triển khai để phục vụ thành viên, tạo được uy tín, vị thế, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều hộ dân ở Nam Định vươn lên trong sản xuất kinh doanh từ vay vốn quỹ TDND |
Từ sự hỗ trợ vốn của quỹ TDND Xuân Tiến, người dân tại địa phương đã có điều kiện để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, đặc biệt là ngành nghề truyền thống cơ khí chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, phục vụ cộng đồng; tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, tăng thu nhập kinh tế hộ, qua đó, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Ông Đinh Xuân Thành, Giám đốc quỹ TDND Xuân Tiến nói rằng, thời gian tới, quỹ sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng HTX Việt Nam, chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, tình hình sản xuất, kinh doanh của các địa phương để điều chỉnh hoạt động tín dụng bảo đảm phù hợp với khả năng quản lý và nguồn vốn huy động của đơn vị. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay, công tác huy động vốn, bảo đảm Quỹ hoạt động an toàn, bền vững.
"Chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ kích thích thương mại, tiêu dùng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thực hiện tốt công tác tương trợ các thành viên tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế ở địa phương" ông Thành khẳng định.
Bài và ảnh: Đức Toàn