Nội dung cuộc làm việc ba bên trao đổi để nắm rõ những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của Ngân hàng HTX Việt Nam (Co-opbank), của Hiệp hội quỹ TDND và các quỹ TDND, từ đó tổng hợp chuẩn bị cho cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ (dự kiến đầu tháng 3/2018), đồng thời thảo luận tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn vốn Co-opbank và hệ thống quỹ TDND cho vay phát triển các loại hình HTX.
Co-opbank- “Ngân hàng của HTX”
Tổng hợp đến ngày 26/2/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opbank là 30.688 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là số vốn huy động đạt 23.349 tỷ đồng. Co-opbank hiện đạt dư nợ cho vay là 21.408 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các quỹ TDND là 6.407 tỷ đồng, dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 15.000 tỷ đồng, ngoài ra còn một số tiền gửi khác…
Co-opbank trên thực tế khẳng định vai trò tổ chức đầu mối quan trọng đối với hệ thống các quỹ TDND (loại hình HTX tín dụng). Cụ thể, Co-opbank hỗ trợ quỹ điều hòa nguồn vốn, ứng dụng công nghệ hiện đại tổ chức các dịch vụ ngân hàng, góp phần giúp các quỹ hoạt động an toàn và hiệu quả, thiết thực phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đến đầu năm 2018, toàn hệ thống có 1.182 quỹ TDND, tăng 10 quỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê chưa đầy đủ, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ TDND là 100.798 tỷ đồng, tăng 10,68% so với năm ngoái. Dư nợ cho vay thành viên đạt 79.367 tỷ đồng, tăng 12,31% so với cùng kỳ, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 0,91%.
Hoạt động của các quỹ TDND tuy còn bộc lộ một số bất cập, song hầu hết các quỹ đều phát huy được thế mạnh của một loại hình HTX tín dụng gần dân và lợi dân, nhất là đã chứng tỏ mô hình quỹ TDND phù hợp và đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn, nhất là phát triển khu vực tam nông đúng với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội quỹ TDND Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, hệ thống quỹ TDND đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động, vì vậy đề xuất Liên minh HTX Việt Nam tăng cường phối hợp với Hiệp hội trong công tác đào tạo, tài trợ một phần kinh phí đào tạo cho các quỹ TDND hội viên.
Ngoài ra, Hiệp hội mong muốn hệ thống Liên minh HTX các cấp hỗ trợ các quỹ TDND thành viên tháo gỡ khó khăn về bảo hiểm xã hội cho cán bộ, tạo điều kiện ưu đãi hơn về thuế thu nhập doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ ổn định trụ sở quỹ TDND…
Thực tế phát triển HTX trên cả nước luôn đặt ra câu hỏi tại sao các HTX rất khó và không thể tiếp cận vay vốn các ngân hàng thương mại. Lâu nay, Liên minh HTX các cấp và hệ thống Co-opbank đều tâm tư, trăn trở làm sao để các quỹ TDND vào cuộc tư vấn cho vay vốn đầu tư phát triển HTX.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Co-opbank, và các lãnh đạo ngân hàng này cho biết trước đây, Co-opbank từng đề xuất phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam nhằm tổ chức diễn đàn, hội thảo để khẳng định thương hiệu Co-opbank là ngân hàng của HTX. Hệ thống quỹ TDND cũng kỳ vọng thiết kế một số sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành riêng để hỗ trợ phát triển HTX.
Co-opbank gần đây cũng chủ động tiến hành một số chương trình phối hợp đầu tư phát triển HTX, nhưng phát sinh bất cập là hoạt động các HTX chưa đúng với bản chất HTX, chưa vì lợi ích của đa số thành viên HTX…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc với Co-opbank
Mở rộng cơ hội hợp tác
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng hệ thống quỹ TDND mà đầu mối Co-opbank được nhìn nhận là mô hình HTX ưu việt và phát triển mạnh nhất. Song, thời gian qua, ba bên chưa tạo được mối quan hệ xứng tầm để đẩy mạnh huy động các nguồn vốn của Co-opbank và các quỹ TDND vào mục tiêu phát triển HTX.
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cho rằng có 5 vấn đề cần tăng cường hợp tác ba bên, cụ thể như các cơ hội hợp tác về chính sách, truyền thông, đào tạo, các tiện ích dịch vụ tín dụng ngân hàng và vận động các quỹ TDND sở tại tham gia tư vấn hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi ở các địa phương.
Chủ tịch Co-opbank bày tỏ mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác toàn diện hơn giữa Co-opbank và gần 1.200 quỹ TDND với hệ thống Liên minh HTX các cấp và khu vực HTX.
Từ đó, ba bên khắc phục kịp thời một số điểm “chưa gặp nhau”, ví như làm sao để hệ thống Co-opbank hỗ trợ đầu tư cho HTX vay vốn, tăng cường công tác đào tạo cho quỹ TDND, cách tiếp cận tìm tiếng nói chung trong tuyên truyền Thông tư 03, 04 về quỹ TDND…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã cho rằng cuộc làm việc đã thành công trong việc đưa ba cơ quan xích lại gần hơn và hiểu biết nhau hơn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, cùng thúc đẩy phát triển hệ thống Co-opbank gắn bó hơn với sự nghiệp phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Liên minh HTX Việt Nam, Co-opbank và Hiệp hội quỹ TDND Việt Nam thống nhất sẽ tiến hành ký kết văn bản và tổ chức triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác nguyên tắc.
Trong đó, ba bên tập trung mở rộng hợp tác về đào tạo, tham vấn chính sách, chia sẻ khơi thông công tác thông tin báo chí tuyên truyền, tập trung tổ chức khai thác các dịch vụ tín dụng và ngân hàng chuyên biệt dành riêng cho khu vực HTX, động viên các quỹ TDND tham gia xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị ở các vùng miền…
Mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển Co-opbank, hệ thống Liên minh HTX các cấp và khu vực HTX, trong đó có các quỹ TDND.
Lưu Đoàn