Poster sự kiện quảng bá Chương trình OCOP tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sẽ có khoảng 200 gian hàng với gần 2.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước: Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Hậu Giang, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh... Trong đó có 168 gian hàng quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.
Ngoài các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, ban tổ chức cũng bố trí một không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt với các món ăn đặc trưng 3 miền: Bắc, Trung, Nam: Bánh dầy lá dé, chả quế, gà Đông Tảo- Hưng Yên; Thắng Cố- Lào Cai, nem cua bể Hải Phòng; Xôi sầu riêng, lẩu cá kèo, cơm cháy kho quẹt, bánh tráng Trảng Bàng- Tây Ninh; Hủ tiếu Sài Gòn...
Điểm nhấn của khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn còn dành không gian tổ chức trình diễn nghệ thuật nấu ăn 12 món ăn các vùng miền do các nghệ nhân, đầu bếp chuyên nghiệp, chuyên gia ẩm thực, đầu bếp đoạt giải cuộc thi Master Chef Việt Nam trình diễn, giới thiệu trực tiếp. Sự kiện bao gồm hội thảo với chủ đề “Quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền trên toàn quốc” được tổ chức ngày 6/12 tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Tính đến nay, cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch/Đề án thực hiện Chương trình OCOP. Theo tổng hợp kế hoạch triển khai đề án của các địa phương, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.800 sản phẩm.
Trong đó nhóm Thực phẩm có 2.182 sản phẩm, nhóm Đồ uống có 397 sản phẩm, nhóm Thảo dược có 263 sản phẩm, nhóm Vải may mặc 100 sản phẩm, nhóm Lưu niệm, nội thất trang trí có 665 sản phẩm và nhóm Dịch vụ, du lịch và bán hàng có 193 sản phẩm. Dự kiến nguồn lực huy động đạt gần 9.863 tỷ đồng.
Hồng Vy