Là một trong hai xã cuối cùng của huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân nông thôn xã Phước Hoà nay đã được nâng cao nhờ vào việc chuyển đổi hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp từ nguồn nước tưới của Đập thuỷ lợi Phước Hoà cũng như có sự chuyển dịch từ ngành nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.
Tương trợ người nghèo
Trong 5 năm trở lại đây, xã Phước Hoà đã giới thiệu việc làm cho hơn 1.300 lao động và phối hợp giải ngân hơn 207 tỷ đồng từ các nguồn vốn để nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Ở xã cũng ghi nhận có nhiều nông dân sản xuất giỏi. Như ông Nguyễn Thành Sang, thương binh hạng 4 ở ấp 1B, xã Phước Hòa, là một nông dân điển hình tiêu biểu của xã. Với vườn bưởi rộng gần 2,5 ha, nhờ chú trọng chăm sóc để gia tăng sản lượng thu hoạch và đáp ứng yêu cầu từ đơn vị thu mua, đã giúp mang lại nguồn mỗi năm khoảng 250 triệu đồng cho gia đình ông.
Đập thuỷ lợi Phước Hoà giúp cho việc sản xuất nông nghiệp ở xã Phước Hoà được tốt hơn (ảnh: Tư liệu) |
Ngoài trồng bưởi, gia đình ông còn trồng 4 ha cao su và cho thu nhập từ nhiều năm trước. Dù giá mủ cao su có giảm, nhưng thu nhập từ cao su hiện nay của gia đình ông cũng đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Như vậy, trung bình một năm gia đình ông thu nhập từ việc trồng bưởi, cao su khoảng 500 triệu đồng.
Xã Phước Hoà cũng nổi danh hai mô hình kinh tế tập thể. Đó là HTX Hợp Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (ấp Bố Lá, xã Phước Hoà, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa.
Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa ra đời khá lâu, được ghi nhận là mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả với hơn 7.220 thành viên, địa bàn hoạt động không chỉ ở Phước Hoà mà còn được mở rộng ở 7 xã và 1 thị trấn thuộc 3 huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương.
Trong hoạt động của mình, Quỹ tín dụng nhân Phước Hòa luôn xác định mục tiêu hoạt động là tương trợ giữa các thành viên không vì mục tiêu lợi nhuận. Trên cơ sở mục tiêu đó, nhiều năm nay, khi lãi suất biến động phức tạp, quỹ đã nhiều lần giảm lãi suất cho thành viên để hỗ trợ bà con trong việc phát triển kinh tế gia đình.
Quỹ đã giải quyết cho nhiều thành viên vay vốn làm ăn có hiệu quả. Bà Phạm Thị Lên ở tổ 5, ấp 1B, xã Phước Hòa, khách hàng lâu năm của quỹ, chia sẻ khi giao dịch ở quỹ trong nhiều năm qua thì bà cảm thấy thật sự như là người nhà.
“Hơn hết quỹ hiểu dân và tiếp sức cho người dân kịp thời nhất. Nếu có nhiều quỹ tín dụng như thế này thì người dân đỡ nhọc nhằn hơn”, bà Lên nói.
Đưa quả ổi xuất ngoại
Còn với HTX ổi Thanh Kiên gần đây được chọn là một trong năm HTX tiêu biểu của tỉnh Bình Dương. HTX đã đăng ký thương hiệu quốc gia và là đơn vị tiên phong đầu tiên xuất khẩu ổi sang thị trường nhiều nước trên thế giới như: Dubai, Oman, Úc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản… HTX cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu ổi sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch.
Có giai đoạn trước dịch Covid-19, HTX này đã xuất khẩu được hơn 260 tấn ổi sạch sang các nước: Dubai, Oman, Úc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản…Đây là một thành tích đáng nể so với một đơn vị nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa.
HTX ổi Thanh Kiên đã đưa quả ổi xuất ngoại (ảnh: Tư liệu) |
Tổng diện tích trồng ổi thuộc HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên hiện nay khoảng 32 ha. Trong năm nay, HTX dự định tăng lên 55ha. Mỗi ngày, với 1ha thì HTX thu được 800kg ổi (thu hoạch trái cách ngày).
Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân chuồng ủ mục và chế phẩm vi sinh.
Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên, cho biết nhu cầu tiêu thụ ổi trong và ngoài nước rất lớn nên rất cần sự hướng dẫn, định hướng cho bà con nông dân trồng và liên kết với các đơn vị chế biến, xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Kiên, HTX rất cần xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu cũng như việc chế biến trái cây, giúp tăng giá trị của các sản phẩm ổi lên gấp nhiều lần so với quả ổi tươi.
Thanh Loan