Mới đây, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần thứ V năm 2020 đã bình chọn 2 bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ là “Sọt con Voi và tay thỏ đan bằng lục bình” và “Giỏ xách đan mây tre lá, lục bình” của Phân xưởng HTX mây tre lá Ba Nhất (tổ 5, khu phố 7, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên) nằm trong Top 27 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020.
Bao giờ trở lại “huy hoàng”?
Đây tiếp tục là vinh dự lớn cho HTX mây tre lá Ba Nhất vốn có bề dày trong việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (XK) tinh xảo, độc đáo từ những nguyên liệu thân thuộc, dân dã ở vùng quê như cây lục bình hay các loại mây, tre, lá, giấy vụn, bẹ chuối…
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX với hàng ngàn mẫu mã đã từng có mặt tại Mỹ, Nhật Bản, EU và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vào những thời điểm “huy hoàng”, kim ngạch XK của HTX có thể đạt trên 10 triệu USD và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là các lao động nữ ở Bình Dương
Bên cạnh đó, cũng có những thời điểm khó khăn về đầu ra hay gặp vấn đề về vốn vay, nhưng HTX cố gắng tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, duy trì công ăn việc làm cho gần 500 thành viên và hàng ngàn lao động thời vụ.
Hoạt động sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Phân xưởng HTX mây tre lá Ba Nhất (ảnh: Tư liệu) |
Không chỉ với các sản phẩm độc đáo của Phân xưởng HTX mây tre lá Ba Nhất, từ lâu Bình Dương đã nổi tiếng là một trong những cái nôi của ngành thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ. Đặc biệt là có khá nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ Thủ Dầu Một, làng nghề gốm Lái Thiêu, làng nghề mây tre đan Tân Uyên, làng nghề guốc Phú Thọ…
Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Bình Dương cũng có những giai đoạn thăng trầm, đầu ra của một số HTX gặp khó, các làng nghề truyền thống teo tóp dần, thậm chí có nguy cơ thất truyền.
Thế nhưng, nếu nhìn tiềm năng XK cũng như triển vọng tiêu thụ nội địa khi theo dự báo sẽ còn tiếp tục mở rộng, đặc biệt là thị trường XK với nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng nhanh trong những năm tới, thì lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của tỉnh vẫn rất cần “phục hưng” với những nhóm sản phẩm thu hút người tiêu dùng, như các sản phẩm của HTX Ba Nhất.
Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Dương, làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở phường Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) là một trong những cái tên đầu tiên được đề cập đến tại đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề.
Chờ HTX phát triển làng nghề
Gần đây, khi khảo sát làng nghề Tương Bình Hiệp, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương, nhấn mạnh cần triển khai đề án bảo tồn phát triển trong thời gian sớm nhất và tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt kịp thời các thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ.
Theo đó, làng sơn mài sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp các hoạt động phong phú, đa dạng của ngành du lịch. Đồng thời, làng nghề rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn, đầu tư thiết bị mới, đào tạo dạy nghề để có nguồn lao động, giúp sản xuất ổn định và duy trì ngành nghề truyền thống, tạo được chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm sơn mài, góp phần nâng cao đời sống cho người dân…
Trong định hướng 10 năm tới, Bình Dương sẽ phối hợp với các địa phương, cơ sở sản xuất tại các làng nghề xây dựng du lịch làng nghề mang tính đặc trưng. Bên cạnh đó, các làng nghề sẽ được đầu tư phát triển các sản phẩm thủ công độc đáo, mẫu mã đa dạng và phong phú, xây dựng tour trải nghiệm cho du khách tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống…
Theo giới chuyên gia, để “phục hưng” lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và làng nghề ở Bình Dương rất cần các chính sách tài chính, tín dụng, đất đai, đào tạo nghề, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với các HTX, tạo điều kiện cho các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị công nghệ.
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang được kỳ vọng sẽ “phục hưng” (ảnh: Tư liệu) |
Mặc dù vẫn đang đứng trước những áp lực lớn từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và sản phẩm thay thế, nhưng nếu giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm, hy vọng lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở Bình Dương sẽ “phục hưng”, phát triển tốt hơn trong thời gian tới cùng với những mô hình mới hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác.
Thực tế cho thấy, Bình Dương đã từng có mô hình HTX thủ công mỹ nghệ phát triển tốt như HTX Ba Nhất. Để lĩnh vực thủ công mỹ nghệ hoạt động hiệu quả thì rất cần lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp cho HTX, nhất là loại hình HTX cần được phát triển ở các làng nghề.
Thanh Loan