Vườn trái cây Lái Thiêu thuộc TP Thuận An nằm ngay ven sông Sài Gòn, cách TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) khoảng 10km về phía Nam. Nơi đây được nhiều người biết đến là một địa danh nổi tiếng với rất nhiều loại cây trái miền nhiệt đới thơm ngon. Vào mùa mưa từ tháng 5 - 8 hàng năm chính là mùa trái cây chín rộ nhất tại Lái Thiêu.
Nổi tiếng lâu đời
Với diện tích 1.200 ha trải dài trên địa bàn 6 xã, phường của TP Thuận An là Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời với tuổi đời lên tới 200 năm. Những trái cây nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ là sầu riêng, mít tố nữ, bòn bon, nhưng nổi bật nhất là măng cụt Lái Thiêu.
Măng cụt Lái Thiêu vốn nổi tiếng lâu đời. |
Măng cụt Lái Thiêu da láng, không sần sùi, không nứt, không chảy mủ, màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt. Măng cụt nơi đây dễ phân biệt với măng cụt của xứ khác, đó là quả nhỏ, cuống ngắn, trái không tròn đều, màu sắc không bắt mắt nhưng vỏ mỏng hơn và có vị ngọt thanh khi ăn.
Gọi là măng cụt Lái Thiêu, nhưng loại trái cây này không chỉ được trồng trên diện tích nhỏ hẹp của phường Lái Thiêu đang thịnh vượng mua bán như một khu vực trung tâm của TP Thuận An. Măng cụt Lái Thiêu được trồng nhiều nhất tại xã An Sơn và rải rác ở các phường Bình Nhâm, Cầu Ngang, Hưng Định, An Thạnh…
Ở xã An Sơn có HTX Dịch vụ nông nghiệp An Sơn được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 với 11 thành viên. Giám đốc HTX Trần Văn Viễn cho biết, nhiều vườn cây măng cụt ở vùng Lái Thiêu thời gian qua đã bị bỏ hoang hoặc chủ nhà chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Trước thực tế này, ông Viễn cùng một số người có tâm huyết với cây măng cụt trên địa bàn bàn bạc, thống nhất để xin thành lập HTX nhằm giữ gìn và phát triển vườn cây măng cụt.
Vườn măng cụt của 6 thành viên HTX hiện đã được công nhận đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo ông Viễn, để xây dựng được mô hình sản xuất măng cụt đạt tiêu chuẩn VietGAP là một quá trình khó khăn, từ khâu kiểm tra về mức độ an toàn nước, đất đến việc các thành viên phải được tập huấn về VietGAP, quy trình kỹ thuật canh tác măng cụt, phòng trừ dịch hại…
Tự tin "vượt biển lớn"
Trong thời gian tới, HTX sẽ tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, như xây dựng trang web riêng, nỗ lực đưa sản phẩm vào bán tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Có thể thấy, tuy mới thành lập nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp An Sơn đã góp phần quan trọng giữ vững và phát huy thương hiệu "Măng cụt Lái Thiêu" trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện tại, người dân địa phương rất tự tin khi măng cụt đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Cách đây 3 năm, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” với thời gian sở hữu thương hiệu 10 năm. Để gìn giữ và phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ vườn cây đặc sản tỉnh Bình Dương đến năm 2021. Vì vậy, việc mở rộng thị trường quốc tế cho măng cụt Lái Thiêu hoàn toàn thuận lợi.
HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn kỳ vọng đưa măng cụt xuất ngoại. |
Hội Nông dân thị xã Thuận An là đơn vị có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”, cho biết chỉ những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại TP Thuận An mới được phép sử dụng nhãn hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” để dán lên sản phẩm.
Đưa măng cụt Lái Thiêu vào thị trường chính ngạch Trung Quốc cũng là một cơ hội cho các chủ vườn trên địa bàn TP Thuận An. Giá xuất khẩu dĩ nhiên sẽ cao hơn giá bán trong nước, đồng thời cũng giúp chủ vườn không bị ép giá vào giữa vụ măng cụt chín rộ. Tuy nhiên, để có số lượng lớn phục vụ xuất khẩu thì phải có kế hoạch cụ thể để hợp tác đặt hàng với các chủ vườn.
Thanh Loan