Cách đây gần 2 năm, 10/10 xã của huyện Phú Giáo đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó xã Tân Hiệp đạt xã nông thôn nâng cao. Còn trong năm 2020 và thời gian tới, 1 xã trong huyện đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã còn lại xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao
Qua rà soát cuối năm 2019, toàn huyện chỉ còn 101 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,42%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện được nâng lên, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là mô hình kinh tế trang trại… Những yếu tố này đã làm cho nhịp sống nông thôn của Phú Giáo ngày càng nhộn nhịp hơn.
Một trang trại dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Phú Giáo (Ảnh: TL) |
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có tác động rất tích cực đến nông nghiệp, nông thôn của huyện Phú Giáo. Nếu như trước kia, nói đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất VietGAP là điều còn rất xa lạ, nhưng nay đã là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ngoài 2 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao An Thái và chăn nuôi bò sữa ở Phước Sang với tổng diện tích hơn 882ha, hiện trên địa bàn huyện đã hình thành được 113 cơ sở sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận đạt từ 30% - 40%.
Hiện, trên địa bàn huyện Phú Giáo, các loại hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, HTX phát triển khá mạnh, gồm nhiều loại hình như: trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và tổng hợp, qua đó đã tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông nghiệp tại địa phương.
Đơn cử như ông Nguyễn Phi Long, ngụ xã Vĩnh Hòa với trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất nhì huyện. Với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, ông Long tiên phong áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn công nghệ cao, nhờ đó trong quá trình sản xuất, ông đã vượt qua rất nhiều đợt dịch trên đàn gia súc.
Bên cạnh đó, huyện bước đầu hình thành được những vùng trồng cây ăn quả nói chung, cây ăn trái có múi nói riêng đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao như cam, quýt, bưởi, chanh không hạt, đã hình thành được nhãn hiệu tập thể “Cam và bưởi Phú Giáo”. Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của HTX Nông nghiệp Bông Sen ở xã Phước Hoà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng thu nhập từ hiệu quả của các HTX
Toàn huyện hiện có 17 HTX, 28 tổ liên kết và 10 tổ hợp tác đang làm ăn có hiệu quả; 516 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, với hơn 3.000 lao động. Các tổ liên kết, tổ hợp tác được hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để thực hiện các dự án. Thu nhập bình quân của các hộ hàng tháng khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Điển hình như HTX ổi Thanh Kiên gần đây được chọn là một trong 5 HTX tiêu biểu của tỉnh Bình Dương. HTX đã đăng ký thương hiệu quốc gia và là đơn vị đầu tiên xuất khẩu ổi sang thị trường nhiều nước trên thế giới như: Oman, Úc, Singapore, Ấn Độ… HTX cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu ổi sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch.
Cùng với HTX, Phú Giáo đã hình thành được nhãn hiệu tập thể “Cam và bưởi Phú Giáo” (ảnh:TL) |
Hoặc như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình, hiện có 8 thành viên. Mô hình sản xuất của HTX là trồng dưa lưới trong nhà kín với tổng diện tích hơn 3 ha.
Trước đây, khi chưa thành lập HTX, sản lượng dưa lưới của nông dân không nhiều, khó ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị. Từ khi thành lập HTX, sản lượng dưa lưới mỗi đợt thu hoạch tăng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, cho biết tham gia HTX, các thành viên chia sẻ kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm đạt được chất lượng cao, được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước.
Hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Thanh Loan