Đa dạng hóa sản phẩm
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lượng, huyện Ý Yên đã được Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh Nam Định phối hợp với đơn vị tư vấn Chương trình OCOP và Văn phòng Điều phối NTM huyện Ý Yên khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Qua đó, giúp Công ty hiểu rõ hơn về Chương trình OCOP để định hướng phát triển, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm bằng việc thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì, tem nhãn, chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng website tuyên truyền... Sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP với số điểm tương đương xếp hạng 5 sao.
Gạo Toản Xuân - sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn (Ảnh: Văn Đại) |
Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân Trần Quốc Toản cho biết, từ khi Công ty được đơn vị chức năng giúp đỡ hoàn thiện sản phẩm OCOP, đồng thời được hỗ trợ, trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch (Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định) và tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, lượng gạo và thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng. Công ty đã hoàn thiện các khâu nhãn mác, tem kiểm định chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tập trung quảng bá sản phẩm, đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm...
Ngoài sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân”, toàn tỉnh Nam Định đã có 36 sản phẩm của 19 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên. Trong đó, huyện Hải Hậu có 14 sản phẩm, Ý Yên có 4 sản phẩm, Giao Thủy có 3 sản phẩm, Trực Ninh có 3 sản phẩm và TP Nam Định có 12 sản phẩm. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Đây là kết quả rất đáng ghi nhận qua hơn một năm thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Nam Định, các cơ sở sản xuất và sản phẩm tham gia Chương trình vẫn còn ít so với tiềm năng thực tế của địa phương. Toàn tỉnh mới có 19 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tham gia và tập trung chủ yếu ở huyện Hải Hậu và TP Nam Định. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm.
Nâng tầm OCOP, mở rộng thị trường
Theo đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân, HTX, các xã, thị trấn kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông, thủy sản là lợi thế của các địa phương. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận; giúp đỡ các cơ sở có sản phẩm OCOP giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại ở các tỉnh ngoài, nhất là các thị trường tiềm năng.
Các sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định bày bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng (Ảnh: Văn Đại) |
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mục tiêu chương trình OCOP là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thông qua việc phát huy thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng từng vùng miền, địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, trước hết cần phải kêu gọi được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ các HTX, các xã, thị trấn có sản phẩm hoàn thiện quy trình sản xuất, nghiên cứu đổi mới kiểu dáng thiết kế mẫu mã, tem nhãn sản phẩm đảm bảo hấp dẫn, phù hợp thị hiếu, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Đặc biệt là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Về lâu dài cũng cần hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất liên kết với các vùng sản xuất nguyên liệu, đồng thời tổ chức nhân rộng quy mô các sản phẩm được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ ổn định.
Một trong những tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn, quyết định mua sản phẩm chính là chất lượng an toàn vệ sinh của sản phẩm. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần khuyến cáo bà con nông dân, các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp phải tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển.
Văn Đại