Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế và là “vùng đất” lý tưởng cho phong trào khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thách thức 3B
Thống kê cho thấy, trong 22,1 triệu người trong tuổi thanh niên thì gần 60% thanh niên sống ở nông thôn. Đây được coi là lực lượng quan trọng để phát triển các mô hình HTX khởi nghiệp, thúc đẩy các chuỗi giá trị đặc trưng của địa phương theo hướng bền vững, hiện đại. Cùng với đó, phong trào “bỏ phố về quê” cũng là con đường dẫn đến nhiều thanh niên lựa chọn mô hình nông nghiệp sạch, HTX khởi nghiệp.
Tuy nhiên, khi nhiều thanh niên lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp cũng đồng nghĩa với khó khăn, thách thức ngày càng nhiều.
Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp (Trà Vinh) Trầm Minh Thuần, sinh năm 1993, cho biết lượng startup gia nhập thị trường lớn đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh ngày càng nhiều. Trong khi đó muốn đầu tư cho khoa học công nghệ, mở rộng thị trường để phát triển sản xuất bền vững thì lại cần nguồn vốn lớn trong khi nguồn vốn có lãi suất thấp hiện còn rất khiêm tốn đối với các HTX.
Các HTX thanh niên đang thổi một luồng gió mới vào phát triển nông nghiệp sinh thái. |
Anh Lương Văn Dương, Giám đốc HTX Hán Sơn Dương (Thanh Hóa), cho biết đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất đối với HTX cũng không hề dễ dàng vì địa hình phức tạp, giao thông khó khăn. Việc vận chuyển nông sản hàng hóa, các thiết bị, vật liệu vừa tốn thời gian, vừa tăng chi phí. Do cách trở đồi núi, việc tiếp cận với doanh nghiệp, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người dân, thành viên cũng bị ảnh hưởng.
Có thể thấy nếu nhiều bạn trẻ đang thổi những luồng gió mới vào phát triển kinh tế tập thể, khẳng định hướng đi từ sản xuất bền vững thì cũng có không ít bạn trẻ đang gặp khó khăn trong phát triển HTX, đầu tư cho nông nghiệp bền vững.
Anh Lương Văn Dương cho biết nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng đang làm khó những thanh niên làm nông nghiệp chân chính và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản trên thị trường.
Chia sẻ tại hội thảo “Nông nghiệp sinh thái, nông dân chuyên nghiệp- Khát vọng vươn tầm” tổ chức ngày 20/3, Ths. Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), cho rằng đã có những bạn trẻ thành công trong phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình HTX. Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ đang tự mày mò và thành công trong sản xuất nông nghiệp là do may mắn.
Các bạn trẻ có sức khỏe, có hiểu biết nhất định nhưng vẫn còn thiếu quá nhiều về kỹ năng và kiến thức về kinh tế tập thể. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật nông nghiệp đôi khi cũng có những trở ngại về phát triển thương hiệu, tận dụng phế phẩm để chế biến sản xuất theo hướng tuần hoàn, đầu tư công nghệ... Trong khi nông nghiệp sinh thái đang đứng trước thách thức 3B là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Những điều này khiến những thách thức, khó khăn với các HTX khởi nghiệp ngày càng lớn.
Khảo sát của Bộ KH&ĐT, cho thấy tỷ lệ HTX tiếp cận các chính sách về ứng dụng công nghệ chiếm chưa đến 5% và chủ yếu được tiếp cận qua các đề tài, công trình nghiên cứu. Nguyên nhân là do nguồn lực hỗ trợ tại các địa phương còn khiêm tốn, quy trình thủ tục phức tạp, HTX không đủ vốn đối ứng…
Để HTX khởi nghiệp không bị quá sức
Từ thực tiễn sự phát triển ngành nông nghiệp của đất nước hiện nay, có thể thấy khu vực kinh tế tập thể đã hình thành và tập hợp được đội ngũ thanh niên phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững ở các địa phương. Nhiều thanh niên vừa có đức, có tài, tâm huyết, tự nguyện gắn bó với ngành nông nghiệp. Như HTX Nông nghiệp Long Hiệp (Trà Vinh), HTX Hảo Đạt (Thái Nguyên)…
Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là để phát triển được các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, dựa vào điều kiện tự nhiên của địa phương, các bạn trẻ phải giúp người dân loại bỏ những hủ tục, thói quen sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ. Trong sản xuất, họ phải biết vận dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả, giảm rủi ro từ thiên tai, thị trường và phải biết phân tích thị trường để thích ứng với xu thế tiêu dùng.
Vậy nhưng, để làm được tất cả những điều đó là không hề dễ dàng và thuận lợi với nhiều thành niên khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhất là những thanh niên ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Anh Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc điều hành trang trại Queen Farm, cho biết lĩnh vực nông nghiệp rất cần diện tích đất lớn trong khi cơ chế và quỹ đất dành cho dự án khởi nghiệp gần như chưa có. Ngay cả việc việc thuê hoặc mua đất để phát triển sản xuất cũng rất khó khăn. Chưa kể các dự án khởi nghiệp hiện nay vẫn khó tiếp cận các nguồn tín dụng vì không có tài sản thế chấp...
Để giải quyết khó khăn nay, vai trò của các tổ chức đứng đầu trong phát triển KTTT, HTX là rất quan trọng nhằm giúp các bạn trẻ, HTX tiếp cận được với các thông tin, chính sách hỗ trợ một cách kịp thời. Bên cạnh đó, máy móc, công nghệ để phát triển các chuỗi giá trị bền vững là rất lớn, số tiền đầu tư có thể là hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng nên nếu không có sự chung sức của Nhà nước, các HTX khó có thể ứng dụng công nghệ, đầu tư nông nghiệp tuần hoàn.
Ths. Nguyễn Thị Thủy cho rằng muốn phát triển nông nghiệp sinh thái, vai trò của mô hình HTX là không thể bỏ qua. Do đó, các địa phương, các bộ ngành cần phối hợp để xây dựng, phát triển mô hình HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thanh niên. Tuy nhiên, đi liền với đó là cần xây dựng cơ chế, chính sách và phát triển nguồn lực phù hợp cho các mô hình kinh tế tập thể từ thanh niên phát triển như: hỗ trợ HTX chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; hỗ trợ HTX thanh niên nghiên cứu sản xuất mới, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo...
Huyền Trang