Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, TMĐT là xu thế phát triển tất yếu, cả trong và ngoài nước. Thậm chí có thể nói có smartphone là có thế giới thu gọn trong tay. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX.
Còn nhiều hạn chế
Tuy biết rõ những ưu thế về TMĐT, nhưng việc ứng dụng của các HTX ở Việt Nam trên thực tế còn rất hạn chế. Điều này chưa góp phần thúc đẩy tích cực trong phân phối, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, mặc dù hàng hoá, nông sản của 14.816 HTX nông nghiệp trong tổng số 24.618 HTX của cả nước hiện nay rất đa dạng, phong phú, đảm bảo sản xuất an toàn và chất lượng.
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu hiện nay |
Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Coste) - Liên minh HTX Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, 100% các HTX vận tải, HTX chợ, HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ có trang bị thiết bị máy tính và đều sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên chỉ có khoảng chưa đến 15% số HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30%. Riêng với khu vực các HTX nông nghiệp, chỉ có khoảng 14% có trang bị hệ thống máy tính, chủ yếu để quản lý kế toán và lưu trữ dữ liệu và gửi thư điện tử. Còn lại hầu hết các HTX vẫn chưa có website và chỉ có duy nhất bộ máy vi tính nhưng không kết nối internet.
Ông Lê Tuấn An, Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết thêm, trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chỉ có liên kết thì HTX và doanh nghiệp mới phát triển được thương hiệu sản phẩm thông qua ứng dụng TMĐT. Việc áp dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại các HTX ở Việt Nam hiện nay hầu như không được áp dụng. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý HTX nói chung và nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động TMĐT ở các HTX chưa có.
“Nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng TMĐT trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, gay gắt hiện nay thì việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX, nhất là các sản phẩm nông nghiệp là rất hạn chế. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến bất lợi cho nông sản Việt Nam trên cả trị trường trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra bất thường như hạn hán, Corona, H5N1 như hiện nay”, ông An phân tích.
Xu thế tất yếu
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, dự báo TMĐT sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet và sẽ tăng lên 59,48 triệu người vào năm 2022. Dự kiến, doanh thu bán lẻ từ thị trường TMĐT Việt Nam tăng 20% mỗi năm và sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, cũng có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người.
Thương mại truyền thống là kênh tiêu thụ nông sản chính của các HTX hiện nay |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, xu hướng phát triển TMĐT hiện nay rất mạnh. Trong khi đó, chủ yếu các hoạt động kinh doanh, thương mại của các HTX sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay là theo hướng truyền thống. Trên thế giới, tại các nước đang phát triển, công nghệ thông tin cũng như TMĐT đang phát triển ở tốc độ chóng mặt, mọi thông tin, giao dịch, mua bán đều thông qua các trang mạng điện tử, qua hình thức thanh toán online. Công nghệ 4.0 và phát triển TMĐT mở ra các thị trường mới, toàn cầu. Ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư lớn vào TMĐT… Đây chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, đồng thời là nhu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế tập thể, HTX và doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững.
Hầu hết các HTX đã từng bước nhận thấy những lợi ích to lớn mà TMĐT đem lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, ứng dụng TMĐT là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Đây chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, đồng thời là nhu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế tập thể, HTX và doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khu vực kinh tế tập thể, HTX phải có đồng bộ nhiều giải pháp, từ chính sách của Chính phủ đến nền tảng công nghệ, kỹ thuật, các giá trị gia tăng như vận chuyển và thanh toán…
Hơn nữa, khu vực kinh tế tập thể, HTX cần cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh và tài chính cũng như trình độ khoa học kỹ thuật và TMĐT. Đặc biệt, trau dồi thêm kiến thức và khả năng tư duy, am hiểu về marketing trong các HTX.
“Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường đầu tư trực tiếp, có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội. Mặt khác, ban hành các quy định, cơ chế đảm bảo an toàn cho các giao dịch TMĐT để hỗ trợ, tạo tiền đề để các HTX phát triển nhanh và bền vững”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Phạm Duy