Theo số liệu thống kê, tổng diện tích nhà lưới, nhà kính trên địa bàn Đơn Dương hiện đã lên tới 2.340ha, chiếm 11,52% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và chiếm 19,89% diện tích canh tác rau, hoa của huyện.
Mô hình nhà kính thích hợp với môi trường
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã hình thành một số vùng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, trong đó khu vực kinh tế hợp tác có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thu được lợi ích cao cả về kinh tế và đóng góp vào mục tiêu gìn giữ môi trường.
Canh tác trong nhà kính mang lại hiệu quả cao về kinh tế nhưng cũng tác động không nhỏ đến môi trường (Ảnh minh họa: TL) |
HTX Nông nghiệp Thiện Thanh (xã Đạ Ròn) là một trong những điển hình về hiệu quả hoạt động trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đơn Dương và là một đơn vị có mô hình nhà kính thích hợp với môi trường sinh thái.
Hiện, HTX đã được UBND TP Đà Lạt cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có hiệu lực trong 3 năm.
HTX Nông nghiệp Thiện Thanh thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 với 33 hộ thành viên sản xuất hơn 52ha rau các loại đạt chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX phát triển diện tích lên 76ha với gần 50 hộ thành viên. Trong đó, có gần 1,5 ha nhà kính sản xuất ớt ngọt, dưa leo baby, cà chua beef…, còn lại hơn 74,5ha diện tích sản xuất ngoài trời luân canh các giống rau bắp sú, cải thảo, khoai tây, cà rốt, khoai lang, xà lách…
Trong khi đó, trước những đòi hỏi của thị trường, 25 hộ sản xuất trên địa bàn xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) đã liên kết thành lập HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm, quyết tâm xây dựng những giá trị bền vững về kinh tế và môi trường.
Các thành viên HTX đều là những người giàu kinh nghiệm sản xuất, sở hữu diện tích canh tác lớn hoặc vừa. Khoảng 50% tổng diện tích sản xuất của HTX (khoảng 30 ha) hiện đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Hiện, 100% thành viên HTX sử dụng phân vi sinh để bón cho cây trồng, hình thành thói quen ghi chép sổ nhật ký sản xuất, tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục quy định.
“Vào HTX, việc sử dụng phân hóa học, phân chuồng tươi được loại bỏ, các hộ được hướng dẫn thực hiện theo quy trình sản xuất rau VietGAP, đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất giúp hiệu quả tăng mạnh”, ông Bùi Ngọc Cung - thành viên HTX chia sẻ.
Với 2ha sản xuất rau trong nhà kính, áp dụng những công nghệ hiện đại như như hệ thống phần mềm kiểm soát độ ẩm, tưới nước, quản lý nhật ký đồng ruộng qua hệ thống máy vi tính điều khiển từ xa, ông Cung đang thu về hàng tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Hậu quả của lạm dụng
Thực tế, những HTX có ý thức bảo vệ môi trường khi vừa đảm bảo diện tích trồng trọt vừa phải trong nhà kính, vừa đảm bảo diện tích ngoài trời như HTX Nông nghiệp Thiện Thanh, HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm ở Đơn Dương chưa nhiều. Đây cũng là điều mà lãnh đạo huyện Đơn Dương còn trăn trở. Dù biết rằng, sản xuất cây trồng trong nhà kính, nhà lưới là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng, nhằm cung cấp các sản phẩm với số lượng ổn định, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Đơn Dương, trong bối cảnh mà diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính đang ngày một tăng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái...Đã đến lúc cần có giải pháp kiểm soát để phát triển phù hợp, nhằm gắn phát triển kinh tế bền vững với thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc phát triển nhà kính, nhà lưới chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ khoảng cách được xây dựng. Hay việc thiếu các mảng cây xanh trong khu vực sản xuất đang ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch canh nông trên địa bàn.
Điều kiện khí hậu ở Đà Lạt và một số huyện ở Lâm Đồng nhìn chung rất thích hợp để phát triển các loại cây rau màu nên không cần lạm dụng nhà kính (Ảnh: TL) |
“Thử tưởng tượng xem, đáng lẽ Đà Lạt chính là cái hồ điều hòa, cái máy lạnh của cả thành phố cũng như vùng ven, nhưng do nhà kính phủ trắng xóa mà lại dần tăng nhiệt độ từng năm thì sẽ ra sao?”, Giám đốc một HTX ở Đà Lạt băn khoăn về câu chuyện gia tăng diện tích nhà kính ở Đà Lạt và một số huyện của Lâm Đồng.
Chính vì vậy, khi các HTX, DN... đầu tư xây dựng nhà kính để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng theo kiểu bán không gian, tức là chỉ tập trung vào phần mái, còn xung quanh sẽ thiết kế mô tơ có thể cuốn màng kính ở hai bên hông cao lên hoặc bao bởi màng lưới, bảo đảm có thể trao đổi không khí bên trong và bên ngoài.
Việc xây dựng nhà kính bán không gian vừa không phải làm lỗ thông khí, đồng thời nhiệt độ khu vực sản xuất không bị tăng cao theo thời gian. Rau màu được “hưởng” điều kiện khí hậu mát mẻ vốn có sẽ mang đặc trưng, hương vị riêng và hạn chế nhiễm nấm trong quá trình trồng.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn đúng kích thước, độ dày của màng nhà kính với từng địa hình, môi trường sản xuất cũng không kém phần quan trọng. Nếu địa hình sản xuất bằng phẳng, nên lựa chọn màng kính có kích thước lớn tránh phải nối trong quá trình xây dựng, đồng thời giúp tăng thời gian sử dụng lên 3 - 4 năm, hạn chế tình trạng thay mới nhiều vì đây cũng là một thứ chất thải làm ô nhiễm môi trường nếu không được sử dụng và xử lý phù hợp.
“Vì tiếc tiền, nhiều người dân mua màng nhà kính rẻ tiền nên chỉ cần một hai trận lốc xoáy và mưa đá là rách nát hết. Việc đầu tư như vậy vừa kém hiệu quả, vừa gia tăng rác thải cho môi trường”, chủ một nhà vườn ở Đơn Dương cho biết.
Theo các chuyên gia, điều kiện khí hậu ở Đà Lạt và một số huyện ở Lâm Đồng nhìn chung rất thích hợp để phát triển các loại cây rau màu nên không cần lạm dụng nhà kính. Nếu nhà kính quá nhiều khi có mưa lớn, nước không thoát được sẽ gây ngập úng.
Đức Nguyễn