Một trong những hướng phát triển kinh tế ở Ta Gia là phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Theo UBND xã, hồ thủy điện Huội Quảng có diện tích 870ha, nhiều vị trí lòng hồ có diện tích bề mặt rộng từ 2-3km, mực nước sâu vài chục mét. Đây là điều kiện thuận lợi, lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá lồng. Tận dụng lợi thế này, giữa năm 2015, từ chính sách về khuyến nông và giảm nghèo của Nhà nước, Ta Gia đã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình nuôi cá lồng.
Mở hướng thoát nghèo
Đến nay, xã đã có HTX đứng ra hỗ trợ người dân sản xuất. Tiêu biểu như HTX Nông - Công nghiệp và thương mại - Du lịch Than Uyên. Điều thuận lợi là khi bắt đầu sản xuất, HTX đã nhận được kinh phí hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của Nhà nước. Ngoài nguồn vốn góp của thành viên, mỗi lồng cá, HTX được hỗ trợ 10 triệu đồng.
Với số lượng 22 lồng, HTX Than Uyên đang tập trung nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi, lăng... Đàn cá được nuôi theo quy trình có kiểm soát về kỹ thuật sẽ đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nên cá tăng trọng nhanh, khả năng khống chế dịch bệnh cao. Mỗi năm, trừ chi phí 1 lồng thu khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với một số HTX khác trên địa bàn phát triển mô hình du lịch tại chỗ để gia tăng lợi nhuận cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Nếu như trước đây, HTX kinh doanh theo hình thức truyền thống, khách hàng và du khách tự tìm đến HTX đặt mua sản phẩm cá thương phẩm và tham quan du lịch thì từ đầu năm đến nay, HTX phải đối mặt với việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cá trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Trước khó khăn trên, HTX chuyển đổi sang hình thức kinh doanh hiện đại, sử dụng mạng xã hội: Zalo, Facebook và nhóm chợ điện tử để chào bán sản phẩm. Hiện, HTX có hơn 100 khách hàng tại nhóm chợ điện tử tiêu thụ sản phẩm cá hàng ngày trên phạm vi cả nước.
Nuôi cá lồng giúp người dân thoát nghèo. |
Ngoài liên kết với các đơn vị vận chuyển, HTX chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho chế biến. Sản phẩm cá trắm, cá lăng sấy thảo dược, xúc xích cá lăng và chả cá các loại của HTX đang thu hút được người tiêu dùng, phù hợp cho việc vận chuyển và bảo quản.
Ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Than Uyên, cho biết tháng 5 vừa qua, HTX cũng mở cửa hàng giới thiệu các loại sản phẩm cá lăng, trắm, chép, rô phi, trê tại Nam Từ Liêm (Hà Nội). Với nỗ lực này, HTX nâng doanh thu, giải quyết việc làm cho thành viên và bảo đảm thu nhập ổn định.
Ngoài HTX Than Uyên, xã Ta Gia còn có HTX thanh niên Ta Gia đang phát triển 10 lồng cá. Trung bình mỗi năm, thành viên có thể thu về 100-120 triệu đồng.
Anh Lường Văn Chùm, Giám đốc HTX thanh niên Ta Gia, chia sẻ: Thành viên HTX đều là các bạn mới ra trường, vừa xuất ngũ kết hợp với đoàn viên trẻ trong bản. Hiện nay, mô hình hoạt động ổn định, cá được chăm sóc lớn nhanh.
Ngoài nuôi cá lồng, HTX Thanh niên Ta Gia còn duy trì đàn vịt siêu thịt, vịt bầu, vịt đẻ trứng với tổng số 1.000 con. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho thành viên, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng mô hình nuôi cá lồng và thủy cầm với quy mô lớn hơn, động viên nhiều đoàn viên thanh niên tham gia. Đồng thời chú trong liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Tạo động lực phát triển kinh tế
Hiện, trên địa bàn xã Ta Gia có các đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Cũng như các địa phương khác trong huyện, khi áp dụng mức chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo của huyện Than Uyên tăng lên khá cao.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, chủ trương chung của xã là phát huy tính tự lực của nhân dân trong phát triển kinh tế. Với định hướng như vậy, xã tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi sản xuất theo mô hình tập trung, hình thành mô hình HTX để liên kết người dân làm ăn theo hướng hàng hóa.
Cán bộ và nhân dân xã Ta Gia làm đất để trồng chè. |
Nhận thấy, đặc thù của các hộ nghèo trên địa bàn là do thiếu đất canh tác và thiếu nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế. Trước thực tế đó, xã đã giúp các hộ vay vốn ưu đãi ngân hàng, triển khai hỗ trợ có điều kiện đi đôi với đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính những định hướng và chính sách như vậy đã hạn chế được tính ỷ lại, các hộ khó khăn có thêm nhiều động lực để vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, ngoài mô hình nuôi cá lồng của các HTX, Ta Gia còn có các mô hình sản xuất hiệu qủa, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững như: trồng các loại giống lúa mới (lúa J02), chè, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, trâu bò...
Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 4-5%. Hai năm qua đã có gần 200 hộ thoát nghèo nhờ phát triển các mô hình kinh tế. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân của người dân đạt gần 34 triệu đồng/năm.
Huyền Trang