Nghiên cứu của Oxfam nhận định: Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là chủ trương lớn, đúng đắn. Tuy nhiên, việc ban hành và thực thi các chính sách còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn.
Việc đảm bảo chia sẻ lợi ích và rủi ro công bằng, nắm bắt được nhu cầu hợp tác liên kết của các bên, đặc biệt là nông dân để tổ chức hiệu quả và bền vững các liên kết chưa được nhìn nhận và thúc đẩy phù hợp.
Tính từ thời điểm Luật HTX 2003 ra đời đến nay, Nhà nước đã ban hành 143 chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về KTTT. Tuy vậy, cách hiểu về phát triển KTTT còn chưa chính xác, chưa bắt kịp với thực tiễn phát triển. Báo cáo cũng cho thấy, xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế và là lựa chọn tốt hơn trong việc đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của nông dân.
Mô hình tổ hợp tác tăng mạnh
Mô hình tổ hợp tác (THT) đang tăng mạnh do nông dân mong muốn liên kết trong điều kiện phù hợp với năng lực và nhu cầu của mình. Gần 75% nông dân thể hiện mối quan tâm tới các nguyên tắc dân chủ và minh bạch trong hợp tác liên kết để họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.
Theo nghiên cứu của Oxfam, 85,6% người dân được hỏi khẳng định các mô hình hợp tác liên kết giúp nâng cao tính tương trợ và gắn kết trong cộng đồng, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau; giúp năng lực đàm phán ở cả liên kết THT và HTX cải thiện hơn so với các liên kết ít thành viên và các liên kết gắn với tiêu thụ nông sản qua hợp đồng.
M.P