Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành tổ chức lớp học kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn an toàn dịch bệnh cho 30 nông dân chăn nuôi gà ở xã Hành Tín Tây.
Tích cực học hỏi nghề chăn nuôi
Các học viên được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn lý thuyết kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn an toàn dịch bệnh gồm: Kỹ thuật chọn gà con 1 ngày tuổi, kỹ thuật xây dựng thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ thuật phòng và trị một số bệnh thường gặp trên gà…
Nhờ tích cực học nghề chăn nuôi, nông dân huyện Nghĩa Hành đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh. |
Sau lớp học, hầu hết các học viên đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn an toàn dịch bệnh và đánh giá cao về tính phù hợp của lớp tập huấn. Qua đó đã giúp cho họ trang bị thêm những kiến thức bổ ích, thực tế để áp dụng trong chăn nuôi gà thả vườn của gia đình.
Không chỉ với lớp học này, thời gian qua, các lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi gà ở Nghĩa Hành đã được nhiều nông dân theo học và ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao.
Như trường hợp anh Phan Thanh Cẩn (xã Hành Phước) sau quá trình học tập lớp kỹ thuật chăn nuôi gà, anh đầu tư trên 2,7 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà với diện tích 10.000 m2. Trên diện tích này, anh xây dựng 2 khu chuồng nuôi khép kín có tổng diện tích 2.000 m2 để thả nuôi 30.000 con gà kiến lông màu.
Từ những kiến thức học được, anh Cẩn nhận thấy, nhiệt độ chuồng nuôi ổn định và giữ cho gà không bị ảnh hưởng bởi tiếng động của môi trường bên ngoài là yếu tố quan trọng hạn chế dịch bệnh, giúp đàn gà phát triển nhanh.
Vì vậy, khu chuồng trại được anh xây dựng cách nhiệt, hệ thống quạt gió công suất lớn hoạt động liên tục nhằm bảo đảm nhiệt độ từ 27 - 29 độ C. Đặc biệt, anh Cẩn thiết kế hệ thống loa khắp khu chuồng nuôi để... cho gà nghe nhạc.
“Được nghe nhạc thường xuyên giúp gà không bị ảnh hưởng bởi tiếng động bên ngoài nên gà ăn tốt, phát triển nhanh hơn. Phương pháp này đã có nhiều trang trại làm rồi và cũng đã chứng minh được hiệu quả thực tế”, anh Cẩn lý giải.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, toàn huyện xây dựng được 2 mô hình chăn nuôi gà theo quy trình khép kín khá hiệu quả, trong đó trang trại chăn nuôi của anh Cẩn có quy mô lớn hơn.
Liên kết chung ngành nghề sản xuất
Việc tích cực học hỏi các nghề nông thôn của nông dân địa phương đã góp phần đáng kể vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện. Năm 2019, huyện Nghĩa Hành là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo giảm xuống còn 3,43%, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt hơn 50%.
Ngoài ra, những năm qua, nhiều cơ sở Hội Nông dân của huyện Nghĩa Hành đã thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất.
Mô hình này giúp nông dân có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn, gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Như cách đây 3 năm, xã Hành Nhân thành lập Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Đây cũng là chi hội nghề nghiệp đầu tiên của huyện Nghĩa Hành. Ngày mới thành lập, chi hội có 30 thành viên và đến nay đã tăng lên gần 70 người. Những thành viên tham gia chi hội nghề nghiệp đều là những nông dân có cùng ngành nghề trồng cây ăn quả.
Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả ở xã Hành Nhân giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. |
Trung bình mỗi năm, Chi hội Nghề nghiệp xã Hành Nhân tổ chức từ 7- 8 lớp tập huấn và sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật trồng trọt, cách phòng trừ sâu bệnh.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả của các thành viên trong chi hội nghề nghiệp là hơn 45ha, với đa dạng các loại cây như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, mít…
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Nghĩa Hành, các HTX nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Trên địa bàn huyện hiện có 15 HTX nông nghiệp và 1 HTX chăn nuôi với hơn 8.000 thành viên. Hiện nay, có một số mô hình HTX nông nghiệp hoạt động theo kiểu mới như HTX Hành Nhân, Hành Dũng, Xuân Phú hay HTX chăn nuôi Tân Hòa Phú, đã cung cấp các dịch vụ cho thành viên đạt hiệu quả và giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều nông dân địa phương.
Thanh Loan