Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất vải hữu cơ của thông Đồng Giao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thông tin với VnBusiness rằng trong vòng một tuần qua, tổ hợp tác đã thu hoạch xong vụ vải thiều năm nay, kết thúc sớm hơn so với mọi năm.
Vụ vải thiều đặc biệt
Năm nay, cả tổ hợp tác chỉ có gia đình ông Mến là thu hoạch được gần 2 tấn vải bán cho doanh nghiệp với giá 70.000 đồng/kg, nhằm xuất khẩu tới thị trường Úc, Nhật Bản. Mức giá này cao gấp gần 3 lần so với năm ngoái.
Giá vải thiều năm nay cao kỷ lục. |
Trong khi đó, ông Mến cho hay các thành viên của tổ hợp tác mất mùa gần hết. Năm ngoái, nhiều cây vải thiều sai trĩu quả còn được bán nguyên cây với giá 4-5 triệu đồng.
“Vải chính vụ năm nay mất 95-97%, nhiều nông dân gần trắng tay”, ông Mến cho hay. Vì vậy, giá cao nhưng giá trị thu về khó bù được khoản mất mùa. Đơn cử, vườn nhà ông Mến năm ngoái đạt năng suất 20 tấn, bán với giá trung bình 25 nghìn đồng/kg, thu về 500 triệu đồng; năm nay được gần 2 tấn thu về 140 triệu đồng”, ông nói.
Tương tự, ông Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hải, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, cho biết năm nay, vườn vải thiều nhà ông chỉ thu được hơn 1 tấn, năm ngoái, thu được khoảng 5 tấn. Điều này khiến nguồn thu của gia đình ông Liên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Liên cho biết thêm, HTX Nông nghiệp Thanh Hải có 16 thành viên. Nhiều thành viên HTX bị mất mùa, thậm chí có vườn vải thiều không được quả nào. HTX có khoảng 50 ha trồng vải. Năm ngoái, HTX đạt sản lượng 500 tấn vải thiều, năm nay chỉ thu được khoảng 2 tấn.
Nhiều điểm cân tại huyện Lục Ngạn không có vải thiều để thu mua. Giá vải năm nay cao gấp 2-3 lần so với năm trước. Trên địa bàn huyện hiện có 125 điểm cân vải cố định nhưng đã có nhiều điểm thu mua tạm nghỉ vì giá vải quá cao, trong khi nguồn cung thiếu hụt.
Theo các thương nhân thu mua vải thiều, giá vải tăng là do năm nay sản lượng của Lục Ngạn thấp, ước đạt khoảng 50 nghìn tấn, tương ứng khoảng 50% so với mùa vụ 2023.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 11/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 52,7 nghìn tấn vải, trong đó, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong vải chín sớm với tổng sản lượng đạt hơn 40,5 nghìn tấn.
Đến nay, toàn tỉnh xuất khẩu đạt hơn 21 nghìn tấn vải, còn lại là tiêu thụ tại thị trường trong nước. Giá vải thiều dao động 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Doanh nghiệp than không đủ hàng
Tại Thanh Hà (Hải Dương), tình trạng mất mùa vải thiều cũng diễn ra. Bà Trần Hà ở thôn 4, xã Thanh Xá cho biết mọi năm gia đình thu hoạch khoảng 2 tấn vải nhưng năm nay chỉ được khoảng 3 tạ. Vải của gia đình bà đã được khách hàng đặt cọc mua hết. Nhiều người đến xem, thăm vườn muốn mua cũng đành từ chối vì đã nhận tiền đặt cọc.
Bà Hà chia sẻ: “Chưa năm nào vải lại hiếm như năm nay. Người dân biết đến chất lượng vải Thanh Hà nên tìm mua nhiều lắm. Tiếc là mất mùa. Tuy nhiên giá khá cao, bán tại vườn 120.000 đồng/kg".
Năm nay, nhiều doanh nghiệp không có vải thu mua để bán trong nước và xuất khẩu. Trong đó, việc thu mua vải thiều để bán trong các hệ thống siêu thị cũng đối mặt nhiều khó khăn do nguồn cung hạn chế. Thông thường vào vụ giá vải thiều sẽ giảm, nhưng năm nay ngày càng tăng cao, nhất là khi nhiều thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam gom hàng. Dẫn tới, một số siêu thị có kế hoạch giảm sản lượng bán ra do khó thu mua, cũng như giá cao nên người dùng nội địa e ngại.
Về phía xuất khẩu, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam, chia sẻ ngay từ đầu mùa, doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Doanh nghiệp lấy thị trường Nhật Bản làm chuẩn về các tiêu chí xuất khẩu vì nếu quả vải vào được nước này thì giống như giấy thông hành đến các thị trường khó tính khác. Doanh nghiệp đã xuất vải thiều Thanh Hà sang Nhật Bản nhiều năm. Đáng tiếc là năm nay các đơn hàng của nước ngoài mua vải thiều nhiều hơn năm ngoái nhưng lại không đủ hàng để xuất khẩu.
Có thể thấy 2024 là năm mà vụ vải thiều diễn biến đặc biệt, tuy nhiên đây cũng là thời điểm để ngành vải thiều chuẩn bị đảm bảo nguồn cung và chăm sóc vườn vải thiều một cách tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang, khuyến nghị nếu năm nay mất mùa, người nông dân cũng không nên bỏ vườn mà cần chăm sóc để vụ tới cho ra quả sai hơn, đảm bảo được mùa, được giá cho năm sau.
Đồng thời, các DN xuất khẩu đảm bảo uy tín về hợp đồng giao hàng, chất lượng, thương hiệu nhằm phát triển thị trường bền vững không chỉ năm nay mà còn các năm tiếp theo.
Thy Lê