Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX Nghĩa Hưng cho biết, trong thời đại hiện nay thì cần phải làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp. Muốn muốn vậy thì mỗi nhà nông phải thực sự là một nhà khoa học chứ không thể sản xuất theo kinh nghiệm và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên như trước.
Làm nông thông thái
Chính vì xác định tư tưởng rõ ràng nên trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông nghiệp khó khăn trong khâu tiêu thụ thì quýt ngọt của HTX vẫn được tiêu thụ ổn định. Vùng đất Mường Cơi trước đây vốn nhiều sỏi đá khô cằn thì nay vẫn vươn lên những cây quýt xanh tốt và cho quả chất lượng, bán được giá cao.
Để có được điều này, các thành viên đã không ngừng học hỏi kỹ thuật sản xuất quýt hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX chú trọng cải tạo đất bằng phân hữu cơ. Các thành viên cũng xóa bỏ tình trạng lạm dụng phân, thuốc hóa học nhằm nâng cao chất lượng quả quýt và giảm tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Nhằm giúp người dân, thành viên hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, HTX hướng dẫn áp dụng thành thục quy trình sản xuất an toàn.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc giúp cây quýt ít sâu bệnh, từ đó hạn chế phải sử dụng phân, thuốc hóa học. |
Cụ thể, các thành viên sử dụng phân, thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, trên vườn đều có các thùng thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các vườn quýt đều được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Các hộ đều phải có hố xử lý quýt bị hỏng ngay tại vườn. Cách làm này vừa giúp đất có thêm chất dinh dưỡng, vừa hạn chế tình trạng thu hút côn trùng về chích quả.
Hiệu quả từ việc áp dụng quy trình VietGAP đã tạo được niềm tin đối với người nông dân. Các hộ thành viên đã ý thức và tự nguyện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tránh làm tác động tiêu cực đến môi trường.
Trước đây, việc lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học không đúng quy trình đã tác động đến các vi sinh vật, làm giảm sự đa dạng sinh học, tác động tiêu cực đến độ phì nhiêu của đất trồng.
Mặt khác, sau khi sử dụng, các loại hóa chất này một phần bị rửa trôi gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, phần lớn các hộ do thiếu kiến thức nên vứt quả hỏng, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Tuy nhiên, khi được HTX tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ thuật, người dân đã nhận ra rằng sản xuất thân thiện với môi trường thực chất không quá khó.
Đặc biệt hiện nay, các hộ thành viên đã có thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng, thực hiện làm biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc; trang bị đồ bảo hộ lao động. Nhờ đó, quýt ít bị sâu bệnh, sức khỏe người trồng cũng được bảo đảm.
Định hướng phát triển theo chuỗi
Sản phẩm quýt ngọt Nghĩa Hưng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường. Không dừng lại ở đó, năm 2020, quýt ngọt còn được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP và đạt tiêu chí 3 sao. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để sản phẩm tìm được chỗ đứng trong thị trường nông sản Việt Nam.
Mọi năm, khi quýt chín khoảng 70%, HTX mới mở vườn bán. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, hai năm nay, quýt chín đến đâu, các thành viên sẽ cùng thu hoạch và bán đến đó. Mỗi lần bán khoảng 2-3 tạ, giá 25.000 đồng/kg tại vườn.
Hiện nay, HTX cung cấp ra thị trường các tỉnh và hệ thống siêu thị một số tỉnh, thành phố. Ngoài ra, HTX còn tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu, cung ứng sản phẩm nông nghiệp phục vụ trực tiếp khách hàng và người tiêu dùng.
Theo Ban giám đốc HTX, hiện nay, yêu cầu của thị trường rất cao vì sản phẩm đa dạng và có số lượng lớn. Chính vì vậy, để thuyết phục khách hàng, không còn cách nào khác là phải bảo đảm quy trình sản xuất sạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thay đổi tận gốc phương thức canh tác từ kinh nghiệm sang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, từ canh tác hoá chất sang canh tác an toàn, từ sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang sử dụng phân, thuốc hữu cơ, vi sinh.
Trồng quýt theo hướng thân thiện với môi trường là hướng đi đúng đắn của HTX Nghĩa Hưng. |
“Người dùng rất tinh ý và đã có kiến thức tiêu dùng nên chỉ cần nhìn sản phẩm là họ cũng có thể biết mình sản xuất sạch hay không. Với nguồn sản phẩm chất lượng, các thành viên luôn tự tin đưa sản phẩm ra thị trường cũng như kết nối với các doanh nghiệp”, Giám đốc Nguyễn Duy Khanh nói.
Để hỗ trợ sản xuất, hằng năm, HTX đều phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 3-4 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Ngoài các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình hiệu quả tại một số tỉnh thành, các thành viên HTX cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và thu hoạch để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất.
Một số thành viên đang tiếp tục đăng ký mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số hộ dân cũng có nhu cầu tham gia HTX. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy sự thay đổi tư duy canh tác, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính người trồng và người tiêu dùng.
Thời gian tới, HTX tiếp tục kết hợp với các ngành chức năng tích cực xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời thu hút người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Ban giám đốc HTX, những việc mà các thành viên đang và sẽ thực hiện là giải pháp tối ưu, đáp ứng nhu cầu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Đây cũng là cách thu hút doanh nghiệp liên kết để hình thành, phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Tùng Lâm