Đặt chân xuống xe tại ngã ba huyện Vân Hồ, cái lạnh của vùng núi phía Bắc chợt khiến chúng tôi nổi da gà. Đường lên xã Tân Xuân quanh co men theo vách núi, cách ngã ba Vân Hồ 35km. Bản nghèo "chiêu đãi" chúng tôi bằng những cung đường gập gềnh sỏi đá, bên cạnh là những thung lũng, vực thẳm sâu không đáy nhưng đổi lại là tình người, tình đất thật nồng ấm.
Vì yêu mà đến…
Chúng tôi đến thăm bản Bướt vào một chiều cuối năm, khi bản làng đang chìm dần vào ánh hoàng hôn mờ nhạt với sự tĩnh mịch của không gian và làn khói bếp nhẹ nhàng trên các mái nhà như một bức tranh thuỷ mặc.
Bản Bướt là một trong những bản nghèo và xa nhất huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La, chỉ cách biên giới với Lào 11km, song nơi đây không có cửa khẩu, không có doanh nghiệp, không có đất đai phì nhiêu. Theo lời kể của anh tài xế, Vân Hồ nhiều năm về trước khó khăn lắm, lại thêm điểm nóng của ma túy, tệ nạn xã hội khiến vùng đất đã nghèo lại thêm nghèo.
Bản Bướt là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh. |
Song, trời lại ban cho vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” hàng nghìn ha “ngọc xanh” – rừng tre tự nhiên. Tre chẳng chê đất nghèo sỏi đá, cứ thể đội đất ngoi lên, phủ xanh những vách núi cheo leo và ẩn mình nơi rừng sâu. Vùng đất Sơn La đồi núi trập trùng này rất giàu tài nguyên thiên nhiên ban tặng nhưng sao người dân lại nghèo đến thế. Câu hỏi này cứ chập chờn trong suy nghĩ của chúng tôi cho đến khi gặp được chị Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp trung tâm Tân Xuân 269, người mang đến sức sống mới cho bản nghèo.
Từ xa, dáng người nhỏ nhắn, chắc nịch vẫy tay chào đón, chị Cao Thị Tâm vốn là người Thái Bình, năm 2012 chị cùng chồng là anh Đỗ Đình Tí lên Sơn La làm kinh tế, mở quán tạp nhỏ nhỏ nằm ngay đầu xã.
Theo lời kể của chị, 10 năm trước người dân ở đây nghèo lắm, hàng ngày chị chứng kiến cảnh bà con gánh măng từ rừng sâu ra bán cho thương lái, bị ép giá, gương mặt buồn thiu, lầm lũi trở về. Những đứa trẻ đến tuổi nhưng phải theo cha mẹ vào rừng kiếm ăn, phong phanh manh áo mỏng, trời mưa rét, đường đi lầy lội, nhiều lần trượt ngã trước cửa nhà khiến chị vô cùng xót xa.
Trước đây, người dân thường thu hái măng tươi về sơ chế bán lại cho thương lái, vào đầu mùa măng, giá thu mua măng sơ chế của thương lái là 9.000 - 10.000 đồng/1kg, sau hai ngày còn 6.000-7.000 đồng/kg và thường xuyên bị ép giá chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, có khi thu hái xong họ không đến lấy… lại đem đổ hết đi, bao nhiêu tiền của, công sức cũng đổ sông, đổ suối.
Dù mới chỉ thành lập được 4 năm, nhưng với sự đồng lòng của các thành viên, vùng nguyên liệu của HTX khá “khủng” với 1.000 ha sắn cao sản, 1.000 ha dong riềng, 1.000 ha măng tre, nứa, 10 ha gạo nếp nương, 15 ha cây ăn quả VietGAP...Cũng chính khi đó, chị Tâm ấp ủ mong muốn tìm ra cách để giúp được người dân nơi đây. Chị đứng lên thành lập HTX Tân Xuân 269 với 12 thành viên, thu mua lại măng của người dân với giá 10.000/kg rồi chế biến thành măng khô, bán ra thị trường. Đồng bào thấy bán cho HTX vừa ổn định, vừa có lãi, họ làm đơn xin gia nhập HTX, chẳng mấy chốc số lượng thành viên đã tăng lên 60 người.
“Xã Tân Xuân thành lập từ lâu lắm rồi nhưng năm 2017 mới có HTX Tân Xuân 269 là HTX Nông nghiệp đầu tiên. Tôi mừng và phấn khởi lắm, lẽ ra phải biểu dương chị Tâm dám đứng lên để thành lập HTX mới phải. Chị Tâm đừng nản, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chị”. Đó là chia sẻ của ông Vì Văn Thắm – Bí thư kiêm trưởng bản Bướt.
Đeo những gùi măng nặng trên vai là đeo cả khát khao đổi đời của người dân nơi đây. |
Xuân ấm áp hy vọng
Nhờ sự vào cuộc của chính quyền mà tệ nạn ma tuý dần xa bản làng, duyên lành của người phụ nữ xa lạ đã giúp bản nghèo thực sự “thay da, đổi thịt”, người dân phất lên nhờ măng, nhờ sắn... Cứ đến mùa mưa tháng 8-10, người dân lại lên rừng hái măng về bán cho HTX.
Theo chân người dân đi rừng, quả thật thiên nhiên hùng vĩ vốn chẳng theo nguyên tắc nào, con đường đất vào rừng khi lên cao khi xuống thấp bất thường, cây cối, đất đá chen lấn nhau ẩm ướt trơn trượt. Đi được mấy trăm mét, muỗi đốt sưng đỏ cả hai cánh tay mà chúng tôi chỉ tìm thấy 2 đọt măng. Măng non ẩn mình sâu trong lùm cây dưới những gốc măng to che phủ bởi đám cây dại và lá rừng. Măng thu hái là những đọt chỉ măng cao hơn mặt đất có một gang tay.
Xưởng sơ chế măng còn thô sơ, chỉ đáp ứng phần nhỏ nguyên liệu. |
Khi đã đi đủ sâu, chúng tôi quay ra bìa rừng tại điểm thu và sơ chế măng cũng là lúc gặp người dân thu hái măng về. Một người đàn ông đang còng mình vác trên lưng gần 50kg măng từ rừng sâu đi ra, mồ hôi mướt mải với vết thương băng bó vội vàng ở bàn tay. Chờ anh ngồi nghỉ, hỏi chuyện mới biết anh bị ngã khi đi hái măng. Lúc đó là 3 giờ chiều, nắng đã dần tắt trên những triền núi, anh lau vội những giọt mồ hôi, lơ lớ giọng: “Ngồi nghỉ chút, lại lên hái tiếp bây giờ. Cố thêm một chuyến nữa để Tết có bánh chưng…”
Trong lán dựng khu sơ chế măng, khói nghi ngút của củi lửa và nồi luộc măng, mùi thơm ngai ngái của măng, của khói thoang thoảng khắp đồi. Hiện tại, HTX đang có 4 điểm xưởng thu mua, sơ chế măng. Các điểm đặt gần vùng nguyên liệu để người dân đi lại được thuận lợi, hạn chế chi phí vận chuyển. Với sự quyết tâm của nữ giám đốc và sự đồng lòng của bà con, HTX đang tạo sinh kế bền vững cho khoảng 100 người dân thu hái măng, thu nhập trung bình 400.000-500.000 đồng/ngày vào vụ măng.
Măng được luộc, phơi nắng hoặc sấy, không sử dụng phụ gia bảo quản. |
Sản phẩm măng khô của HTX sau khi sơ chế chỉ đem phơi dưới cái nắng gió Lào, ngày không có nắng thì đưa vào lò sấy, quy trình hoàn toàn không chứa chất bảo quản hay phụ gia, hương liệu nên măng có màu sắc vàng ươm, có hương vị thơm ngon rất đặc trưng của măng khô Tây Bắc.
Biết đến câu chuyện của HTX Tân Xuân 269 qua dự án Hỗ trợ phụ nữ Sơn La khởi nghiệp, đoàn công tác gồm chuyên gia của tổ chức WISE (Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh), PV Thời báo Kinh doanh, doanh nghiệp đã lên khảo sát và tư vấn cho HTX về hồ sơ pháp lý, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm hiệu quả và tư vấn xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.
Nhờ sự hướng dẫn của chuyên gia, các thành viên đã học cách bảo quản măng bằng chế phẩm vi sinh an toàn cho sức khỏe, đồng thời xử lý nguồn nước thải, bảo vệ môi trường.
Khi màn đêm buông xuống, cái lạnh miền biên ải khiến ai nấy cũng phải xuýt xoa cũng là lúc mẻ bánh canh sắn đầu tiên ra lò, đôi mắt của nữ giám đốc ánh lên niềm hy vọng ở một ngày không xa, khách hàng sẽ biết đến Tân Xuân không chỉ với măng rừng mà còn nổi tiếng thương hiệu bánh canh sắn.Ngoài măng, sắn cũng là sản phẩm chính, mỗi ngày HTX thu mua vài chục tấn sắn. Tuy nhiên sản phẩm bán thô chưa được giá cao. Chuyên gia của WISE về bản, ăn ngủ cùng người dân, hướng dẫn bà con chế biến tinh bột sắn, chế biến bánh canh sắn...
Ngọn lửa khởi nghiệp vẫn rực cháy
Ở cùng nữ giám đốc chưa đầy 24 tiếng, nhưng những công việc chị làm thì quả thực không đếm xuể. Trời tối muộn nhưng trong ngôi nhà gỗ vẫn rộn ràng tiếng nói cười, chị Tâm đang trao đổi với thành viên về khóa tập huấn trồng gừng dưới tán rừng. Sáng sớm mai, ông Vì Văn Hỏi sẽ “khăn gói quả mướp”, đại diện HTX lên trung tâm huyện học 3 ngày. Dù đã 56 tuổi nhưng ông vẫn háo hức, hồi hộp trước những buổi học, ông chuẩn bị đầy đủ sách vở để ghi lại kiến thức, chuẩn bị vài câu hỏi để trao đổi với chuyên gia.
Ông Hỏi hào hứng chia sẻ: Nhà tôi năm nay có hơn 1ha măng và cây ăn quả xoài, nhãn. Mới thu hoạch năm đầu tiên, sản lượng chưa cao nhưng gia đình đã để ra 30 triệu gửi tiết kiệm, phấn khởi lắm”.
Giám đốc HTX Cao Thị Tâm trao đổi với thành viên về khóa tập huấn trên huyện. |
Ở miền biên ải xa xôi này, dù người trẻ hay người già, phụ nữ hay đàn ông đều ham con chữ, khát khao thoát nghèo, chỉ cần được hướng dẫn, họ sẽ làm ngay và phản hồi với chuyên gia. Cũng không còn cảnh phân biệt giới tính, ai nấy cũng lao động, không ai bỏ bẵng ngày công nào. Ngày họp mặt cuối năm của HTX đông vui như trẩy hội, ai nấy cũng phấn khởi vì một năm bội thu, Tết Nguyên đán sẽ ấm no hơn.
Hiện nay, HTX Tân Xuân 269 vừa bán sản phẩm tươi vừa chế biến nhưng số lượng chế biến chưa nhiều. Thực tế cho thấy, nguyên liệu đầu vào, số lượng thành viên và hộ liên kết ngày càng tăng nhưng xưởng chế biến vẫn còn chật chội, mới chỉ có 2 lò sấy, công suất đạt 1 tấn măng/ngày.
“HTX cũng có kế hoạch xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất 4.000m2 nhưng nội lực chưa đáp ứng được tiềm năng do thiếu vốn. Các thành viên HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức quốc tế... Nếu xưởng được xây dựng rộng rãi, HTX sẽ thu hút được nhiều lao động, bà con thêm phấn khởi, hăng say sản xuất, thay đổi diện mạo bản Bướt”, chị Tâm nói.
Các thành viên hăng say học hỏi với sự hướng dẫn của chuyên gia. |
Ngoài ra, địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, sống ở những vùng hẻo lánh, ít tiếp xúc với bên ngoài, nên việc xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch kinh doanh còn yếu.
Được biết, đồng hành cùng HTX, WISE cũng kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các đối tác tiềm năng như chuỗi cửa hàng thực phẩm chay, cộng đồng bán lẻ... giúp đầu ra không còn phụ thuộc vào thương lái, giá bán ra thị trường cao hơn, giúp người dân có thu nhập ổn định. Chị Tâm cũng cho biết thêm, bản thân chị cũng sẽ thay đổi, chị sẽ tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác với các doanh nghiệp để nông sản của HTX sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng.
Người ta bảo rằng, không ai đánh thuế ước mơ, chị Tâm hay những người dân bản Bướt có quyền ước mơ, khát khao thay đổi. Không nói suông, họ vẫn cần mẫn lao động, đổ mồ hôi nước mắt vào cánh rừng chỉ mong đổi đời, từng bước biến nơi “khỉ ho, cò gáy” thành điểm đến du lịch, thương mại. Nếu đi một mình, họ chắc chắn vẫn sẽ chạm đích thành công nhưng con đường sẽ xa xôi và nhiều trắc trở, tuy nhiên nếu được sự đồng hành của các tổ chức, chắc chắn bản nghèo sẽ bừng lên sức sống mãnh liệt, bởi ngọn lửa khởi nghiệp ở đây vẫn đang nhen nhóm cháy, chưa bao giờ tắt.
Rời bản Bướt khi chiều dần buông, bản làng bình yên càng trở nên đẹp và thơ mộng hơn trong ráng chiều tím thẫm. Ở nơi rừng núi hoang sơ với biết bao khó khăn, bản Bướt vẫn tươi đẹp, thanh bình và ngày đêm bật lên sức sống mới từ những bàn tay cần cù lao động cùng ý chí và khát khao làm giàu, xây dựng quê hương của người dân nơi đây.
Xuân Thu