Theo ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX An Phát (Bình Phước), toàn bộ thành viên ban giám đốc của HTX hiện đều từ 55 tuổi trở lên, do đó việc áp dụng công nghệ thông tin, hoạch định kế hoạch sản xuất thông tin, nắm bắt thị trường không được nhanh nhạy.
Tìm nhân lực trẻ như mò kim đáy bể
Chính vì vậy, ban giám đốc HTX rất mong tuyển dụng được lao động trẻ, có tri thức để có thể sâu sát mọi việc, từ thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo thị trường, tình hình dịch bệnh để thông báo cho các thành viên đến tìm kiếm công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi để lấy giá gốc, chất lượng tìm thương lái thu mua... Tuy nhiên, theo ông Cư dù đã “đánh tiếng” nhiều lần và “nhờ vả” các cấp chính quyền địa phương nhưng việc tuyển dụng lao động trẻ vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Việc khó tuyển dụng lao động trẻ có lẽ không chỉ là khó khăn riêng HTX An Phát. Bởi theo anh Đặng Duy Vũ, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế đã có một số người vận động, định hướng anh vào làm việc tại một HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng anh đã từ chối. Nguyên nhân được anh Vũ đưa ra là vì HTX có môi trường chưa năng động, thu nhập không quá 5 triệu đồng/tháng. Trong khi cùng với tấm bằng đại học, cao đẳng nếu làm việc tại các doanh nghiệp có thể thu nhập bình quân trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Có lẽ mong muốn như của anh Vũ là cũng chính đáng vì được làm trong môi trường năng động, có thu nhập cao hơn là niềm ao ước của nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành tại các trường đại học, cao đẳng. Trong khi nhiều HTX nông nghiệp hiện nay vẫn có quy mô nhỏ, khó mở rộng thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững vì thiếu vốn, thiếu đất, vướng cơ chế chính sách.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay không ít bạn trẻ không còn chịu khó và có sự kiên nhẫn. Họ cứ tưởng có bằng cấp cao là có quyền đòi hỏi mà không biết rằng thực tế nếu làm việc ở các doanh nghiệp, dù có đúng chuyên ngành thì công việc vẫn có sự khác biệt nhất định so với những kiến thức đã được học trong nhà trường. Nhiều bạn trẻ mới ra trường nhưng đòi hỏi mức lương rất cao trong khi chưa biết khả năng của mình có đáp ứng được yêu cầu hay không, và cũng chưa chứng minh được năng lực của mình với nhà tuyển dụng. Và ngược lại, không phải HTX nào cũng có môi trường làm việc thiếu năng động và có thu nhập quá thấp.
Nguồn lao động trẻ, có tri thức vẫn còn thiếu đối với nhiều HTX. |
Chẳng hạn như tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (Phú Yên) sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm. Với doanh thu hàng tỷ đồng/năm, HTX đã tạo việc làm cho 30 lao động cơ bản với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng. Còn các thành viên có thu nhập phụ thuộc vào vốn góp nhưng không thấp hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, người lao động và thành viên đều được được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tuy không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cần sự tỉ mỉ, đúng quy trình, kỹ thuật. Chính vì vậy mà người lao động tại HTX đều được tham gia các khóa đào tạo, còn thành viên HTX cũng đều là người trẻ tốt nghiệp cử nhân của các trường khác nhau nhưng cũng liên tục bổ sung kỹ năng, kiến thức để thích ứng với thị trường.
Thực tế khi tham gia mô hình HTX, thành viên, người lao động được hưởng lợi rất lớn vì bản chất của HTX là tạo điều kiện cho các cá thể riêng lẻ phát triển trong việc sản xuất, kinh doanh. Mô hình HTX kiểu mới đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao nhưng thực chất không quá áp lực hoặc cạnh tranh cao như các doanh nghiệp. Nên các bạn trẻ có trình độ khi vào HTX sẽ có nhiều “đất để diễn” hơn. Ngoài ra, mô hình HTX cũng đang nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước như: hỗ trợ thành lập, hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại… nên cơ hội phát triển là rất lớn nếu người nào biết nắm bắt thị trường, chịu khó học hỏi…
Giải quyết nghịch lý
Thống kê cho thấy, hàng năm, Việt Nam có hơn 400.000 cử nhân ra trường. Tuy nhiên, con số thất nghiệp là gần 200.000 người. Trước những con số trên, nhiều giám đốc HTX cảm thấy chua xót bởi nghịch lý thị trường thừa nguồn lao động trẻ, có bằng cấp nhưng HTX thiếu và không thể tuyển dụng được. Nếu không tuyển dụng được người trẻ, có tri thức, nhiều HTX rơi vào cảnh không có đội ngũ cán bộ kế thừa, khó thích ứng với sự đổi mới của thị trường.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia dẫn chứng số liệu của Tổng cục thống kê, cho thấy thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng. Trong khi lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay, cao nhất (vùng I) là 4.420.000 đồng/người/tháng. Từ những số liệu trên, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp các trường có thể tự đánh giá để biết khả năng của mình nhận được tiền công bao nhiêu. Bởi công việc được xem là nhẹ nhàng nhưng có lương cao chỉ có thể rơi vào các tình huống... không có thật.
Ngoài sự cân nhắc, lựa chọn của các bạn trẻ cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực cho HTX của Nhà nước tuy đã có nhưng chưa thực sự hiệu quả bởi công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX vẫn bị dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cụ thể là số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn 2012-2021 còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5,5% trong tổng số 6,8 triệu thành viên HTX cả nước, trong khi nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực của các HTX là rất lớn.
Đi cùng với đó là trình độ quản lý HTX của đội ngũ cán bộ còn thấp, tuổi cao nên thiếu nhạy bén trong khi phương pháp đào tạo bồi dưỡng còn mang nặng tính lý thuyết. Ngoài ra, đối tượng đào tạo bồi dưỡng hiện chỉ tập trung vào các cán bộ quản lý, chưa tập trung vào đội ngũ thành viên HTX.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết do những khó khăn nội tại nên nhiều HTX hiện nay chưa có chính sách thu hút lao động trẻ, có tri thức về làm việc. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 tháng lương tối thiểu vùng, khoảng 3 triệu đồng, với thời gian tối đa 36 tháng cho HTX có nhu cầu tuyển lao động trẻ có trình độ về làm việc. Trong khi muốn nhận được hỗ trợ này, HTX phải có vốn điều lệ từ 200 triệu đồng trở lên, phải thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Chính vì vậy, để thu hút nhân lực trẻ về làm việc tại HTX, Nhà nước cần chú trọng đến các chính sách hỗ trợ HTX phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên, người sáng lập khởi nghiệp HTX nhằm giúp HTX hoạt động hiệu quả.
GS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng kinh tế tập thể, HTX là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất hàng hóa, có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Sự phát triển của HTX tạo việc làm ổn định cho lao động, góp phần an sinh xã hội. Vậy nên phát triển HTX đang là phương thức được nhiều người ủng hộ, tham gia nhằm giúp người dân nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Và muốn phát triển HTX thì con người có yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, theo GS.TS Đào Thế Anh, việc thu hút người trẻ, có trình độ về làm việc tại HTX đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần đưa nội dung trình độ cán bộ quản lý HTX là một trong những tiêu chí để nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của địa phương nhằm khuyến khích các HTX nâng cao nguồn lực con người. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để HTX liên kết với doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp cử cán bộ hỗ trợ về thị trường, quản trị... còn phía HTX tổ chức sản xuất, mở rộng các dịch vụ cho thành viên.
Huyền Trang