Tại tỉnh Tuyên Quang, HTX Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh phân loại rác để xử lý. Hiện nay HTX cũng mới chỉ phân loại, tái chế được rác thải nhựa là các chai nhựa, hộp nhựa, còn đối với túi nilon thì HTX mới chỉ tái chế được 1 phần.
Có trách nhiệm môi trường suốt vòng đời sản phẩm
Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX cho biết, từ tháng 6-2021 đến nay, chỉ riêng đối với rác thải nhựa là các loại chai lọ, hộp nhựa HTX phân loại, thu gom và xử lý 8 tấn/ngày, một con số kỷ lục chưa từng có ở những năm về trước. Lượng rác thải nhựa này đã vượt công suất chế biến, HTX đã phải đầu tư thêm 2 dây chuyền nữa mới có thể tái chế lại lượng rác gia tăng như hiện nay.
Tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. |
Tái chế phế liệu là nhằm tăng tỷ lệ tái chế trong nước, giảm nhập khẩu bao bì, từ đó giảm rác thải nhựa ra môi trường.
"Dù chuyên thu gom, phân loại tái chế rác thải nhựa nhưng thực tế HTX luôn phải tính toán làm sao để có thể duy trì tồn kho nguyên liệu lớn nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn”, ông Hoạch nói.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó có đến 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới nhưng chỉ khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng.
Chỉ tính riêng chất thải nhựa, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tấn chất thải từ nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác.
Nếu tái chế và tái sử dụng được số nhựa này thì trước hết, với chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay khoảng 300.000 đồng/tấn, việc không phải chôn lấp 50.000 tấn nhựa thải sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng/năm.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) Phan Tuấn Hùng cho biết, trước đây nhà sản xuất chỉ có trách nhiệm xử lý chất thải trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2022, Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm về môi trường suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ.
Cụ thể, đối với sản phẩm, bao bì hàng hóa có giá trị tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu buộc phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Doanh nghiệp, HTX có thể tự tái chế, hoặc hợp đồng với bên thứ 3 tái chế.
Đối với sản phẩm, bao bì ít có khả năng tái chế, khó thu hồi, khó tái chế như: bao bì thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp dùng một lần, doanh nghiệp, HTX buộc phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải.
“Số lượng phế thải được sử dụng tái chế tại Việt Nam ít về số lượng, lạc hậu về công nghệ và chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ. Với hơn 90 triệu dân cả nước, nếu mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10% như dự tính thì điều này đồng nghĩa với hàng trăm ngàn tấn rác có thể tái chế, trị giá nhiều tỷ đồng bị lãng phí”, ông Hùng cho hay.
HTX đẩy mạnh tái chế sau sản xuất
Biến những thứ đã bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích cho xã hội đó là cách mà HTX bao bì và cơ khí Phương Nam, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh, đã làm thành công từ năm 2005 đến nay. Bằng cách làm này đã mang về doanh thu cho HTX hơn 30 tỷ đồng/năm từ việc tái chế rác thải.
Theo đó, nhận thấy việc các bao bì đựng xi măng, nông sản sau khi sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm, HTX đã quyết định chuyển trọng tâm sang lĩnh vực tái chế bao bì và các sản phẩm dư thừa từ các nhà máy sản xuất vỏ bao.
Biến những thứ đã bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích cho xã hội đó là cách mà nhiều HTX đang ứng dụng. |
Theo đại diện HTX bao bì và cơ khí Phương Nam, sản phẩm đầu vào chủ yếu là vỏ bao xi măng đã qua sử dụng và các sản phẩm bao bì lỗi từ các nhà máy sản xuất bao bì đựng xi măng và nông sản.
Những bao bì phế thải này được thu mua và phân loại, sau đó được làm sạch qua máy giặt nguyên liệu, đưa vào máy nghiền thủy lực, đến giàn vớt nguyên liệu, qua máy tạo sợi, rồi đến máy cắt, đóng gói.
Đối với những bao bì phế thải màu trắng được dùng làm hạt để kéo sợi sản xuất bao bì đựng xi măng; các bao bì màu được tạo sợi để dệt thành các loại bao đựng nông sản.
“Rác thải không phải là thứ bỏ đi, tái chế, tạo vòng tuần hoàn cho rác thải, biến rác thải làm hàng hóa chính là phương thức làm giàu mà HTX đã thành công từ mô hình này”, vị đại diện HTX nói.
Ông Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, giảm thiểu rác thải công nghiệp không chỉ là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý mà còn có cả trách nhiệm của các HTX.
Xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu hiện nay được các HTX quan tâm đầu tư vì họ được trả phí xử lý chất thải, họ lại được thu tiền từ các sản phẩm tái chế, giảm được nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Với chất thải rắn thông thường, các HTX thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn. Ngoài ra, HTX phải lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sử dụng, xử lý.
“Chính vì vậy, các HTX cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải có trách nhiệm với môi trường của người sản xuất, môi trường xung quanh và các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương”, ông Tuyên bày tỏ.
Kim Yến