Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là cuộc cách mạng cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Sự sẵn sàng của HTX, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thị trường ngày càng khó tính
Cuối tháng 5/2022, tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và nông dân, ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (H.Yên Châu, Sơn La), người đang có 100 ha cây ăn quả xuất khẩu, cho biết việc đưa hàng sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn.
Vấn đề của HTX Phương Nam cũng đang là vấn đề chung của nhiều HTX nông nghiệp và toàn ngành nông nghiệp trên cả nước. Thực tế cho thấy, thị trường Trung Quốc đã không còn “dễ tính” như trước, với các chính sách kiểm soát khắt khe hơn, đặc biệt về an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết phía Trung Quốc đang quản lý rất chặt về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam.
Đặc biệt, một số loại nông sản thế mạnh của Việt Nam như bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ mà trước đây Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu, buộc phải chuyển hướng sang chính ngạch.
Chưa kể, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chính sách "Zero COVID", thắt chặt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 trên cả bao bì hàng nông sản…, khiến cho việc thông thương càng gặp nhiều khó khăn.
Nâng cao chất lượng theo hướng xanh, sạch, hữu cơ là chìa khóa để HTX mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch. |
Không chỉ thị trường Trung Quốc, các thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN… cũng ngày càng “khó tính”, với những điều kiện, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn.
Đơn cử, vào đầu tháng 6/2022, UBND tỉnh Bến Tre đã làm việc với Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đại diện các HTX về việc chuẩn bị lô hàng bưởi da xanh đầu tiên xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Để vượt qua các bài kiểm tra, quả bưởi phải đạt 3 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn được phía Hoa Kỳ ủy quyền cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Trước các yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác, phía doanh nghiệp xuất khẩu đã phải hình thành chuỗi liên kết, phối hợp với 5 HTX sản xuất bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn tỉnh Bến Tre để bảo đảm vùng nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm.
Chuyển đổi tư duy sản xuất
Một trong những HTX đầu tàu liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu là HTX Bưởi da xanh Bến Tre. Hiện, HTX đang có hơn 100 ha bưởi được thành viên tuân thủ nghiêm túc các quy tắc trong sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ, thân thiện môi trường.
Dự kiến, sản lượng bưởi của HTX lên đến 65 tấn mỗi tháng. Bưởi sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, đóng gói ngay tại khu phức hợp đa chức năng của HTX. Chất lượng sản phẩm của HTX được đảm bảo xanh, sạch, an toàn nhờ áp dụng sản xuất hiện đại, tuân thủ tuyệt đối quy định về vệ sinh thực phẩm.
Được biết, Bưởi da xanh là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Với bưởi da xanh, loại trái cây có thời gian bảo quản dài ngày, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới, trong đó có việc nâng cao giá trị và thương hiệu cho quả bưởi da xanh Bến Tre.
Có thể thấy, các thị trường lớn ngày càng khó tính, đòi hỏi ngành nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng buộc phải chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm vừa đẹp về mẫu mã vừa an toàn về chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để giải quyết việc xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc và các thị trường lớn, trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Ông Diên cũng đề nghị các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu và thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.
Toàn cầu hóa giúp cho nông sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận các thị trường lớn, gia tăng giá trị. Song, một thực tế dễ thấy là phần lớn các HTX, doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa thực sự sẵn sàng để thay đổi và bắt nhịp với xu thế.
Để không đánh mất cơ hội, bản thân các HTX, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, doanh nghiệp, cũng cần thêm các cơ chế, chính sách thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị dễ dàng hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…
Nhật Minh