HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định, huyện Kiến Xương (HTX nông nghiệp Bình Định) hiện có 3.145 thành viên, chuyển đổi tháng 1 năm 2016 với 11 khâu dịch vụ. Những kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh của HTX cơ bản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế ổn định chính trị tại địa phương.
HTX đóng góp 3 tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và môi trường
Trong quá trình xây dựng và phát triển, HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.
Xã Bình Định, luôn quan tâm đến cuộc sống người dân đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. |
Từ chỗ làm dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sang hoạt động đa ngành, mở thêm các dịch vụ phục vụ sản xuất nhằm giảm chi phí cho thành viên. Tăng cường liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng với các doanh nghiệp để cung ứng giống, cây, con, vật tư phục vụ sản xuất và chăn nuôi.
Ngoài ra, HTX đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ thành viên, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho HTX và thành viên, phối hợp tích cực với địa phương triển khai công tác tích tụ ruộng đất, phân vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao.
Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cống tiêu thoát nước, mương máng nội đồng, cầu cống, trạm bơm… Mở dịch vụ môi trường thu gom rác thải nông thôn, hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thiện thêm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Thanh Sơn, giám đốc HTX cho biết, HTX hoạt động có hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, qua đó góp phần hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đặc biệt là nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Đóng góp cho an sinh xã hội địa phương, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn theo hướng tích cực. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng HTX đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất
Trong 2 năm 2018 – 2019, HTX nông nghiệp Bình Định được Liên minh HTX tỉnh Thái Bình lựa chọn là một trong những HTX tham gia đề tài khoa học “Ứng dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR trong tổ chức sản xuất mạ khay phục vụ cấy lúa bằng máy tại tỉnh Thái Bình”, đây là đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tế canh tác tại Thái Bình, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa ứng dụng công nghệ cao.
Ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM . |
Ông Trần Thanh Sơn, giám đốc HTX rất tâm đắc về việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất tại địa phương. Quy trình kỹ thuật ủ rơm rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ cũng đơn giản: Nguyên liệu gồm 1 tấn rơm rạ tươi; chế phẩm Fito-Biomix RR: 1 gói 200 gam; phân NPK 1kg; nilon hoặc bạt rách, hoặc trát bùn để che đậy, đồ dùng để tưới nước. Nên chọn nơi tiện nguồn nguyên liệu, tiện nguồn nước, bố trí tập trung để tiện quản lý kỹ thuật.
Các nguyên liệu sau khi thu gom được chất đống, chiều rộng khoảng 2 mét, độ dài thì tùy theo lượng nguyên liệu. Cứ mỗi lớp 30 cm rơm rạ thì tưới một lượng dung dịch chế phẩm Fito-Biomix RR. Độ đậm đặc của dung dịch tùy thuộc vào độ ẩm của rơm rạ sao cho khu ủ rơm rạ có độ ẩm 80%. Cách kiểm tra độ ẩm khi ủ là cầm nắm rạ vắt, thấy nước rỉ ra theo kẽ tay là đạt độ ẩm cần thiết. Tiếp tục rải cho đến khi chiều cao đạt 1,5 đến 1,6 mét. Che kín cả trên nóc lẫn xung quanh, bảo đảm nhiệt độ đống ủ từ 45 đến 500C. Sau 10 – 15 ngày kiểm tra và đảo trộn, nếu chỗ nào chưa bảo đảm độ ẩm thì tưới bổ sung để nguyên liệu hoại hoàn toàn. Sau 25 đến 30 ngày rơm rạ phân hủy tốt thành phân hữu cơ, có thể bón ngay trong vụ hoặc bảo quản để bón cho vụ sau.
Là một trong những hộ dân tham gia mô hình xử lý phế phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn Thái Hòa cho biết: Năm 2019, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật của HTX phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón hữu cơ, gia đình đã tận dụng toàn bộ rơm, rạ sau thu hoạch để làm phân bón, qua theo dõi thấy việc sử dụng phân bón hữu cơ rất phù hợp, cây phát triển tốt và năng suất cao, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Xương cho biết đây là mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Các đề tài khoa học đã được nhà nông vận dụng vào sản xuất, tự hạch toán có hiệu quả cao. Tới đây Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện trong việc hỗ trợ bà con nông dân áp dụng quy trình này vào sản xuất ở quy mô rộng hơn, nhất là ở những cánh đồng mẫu lớn của huyện.
Minh Thành