Để người lao động, nhất là lao động phổ thông, có việc làm, có thu nhập ổn định, phải nâng cao hơn nữa vai trò của Liên minh và các HTX trong việc tập hợp được người dân cùng tham gia HTX để có thu nhập ổn định.
Đây là nhận định của ông Helmut Pabst - Giám đốc Dự án Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tại Việt Nam, tại buổi làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, ngày 26/6, tại Hà Nội.
CMCN 4.0 gây “xói mòn” xã hội?
Ông Helmut Pabst cho biết, những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo dần thay thế cho con người, đã và đang mở ra sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật (KH-KT), ứng dụng KH-KT trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trái với những thành quả của tiến bộ về KH-KT, nó cũng đã và đang tạo ra những khó khăn cho con người.
Theo đó, quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi lớn đối với toàn xã hội. Những công việc đơn thuần trước đây mà người lao động phổ thông, người dân vùng nông thôn, vùng núi lao động nặng nhọc vẫn làm sẽ giảm đi rất nhanh trên toàn thế giới. Thay thế vào đó là máy móc sẽ cho hiệu quả và năng suất lao động cao hơn gấp nhiều lần.
Như vậy, thực tế là người lao động sẽ đối mặt với nguy cơ không có việc làm ngày càng lớn. Đây là thực tế “không của riêng ai”, mà tất cả các nước đang phải đối mặt, nhất là những nước kém và đang phát triển.
Thực tế những nước này đang sử dụng một lượng lớn lao động phổ thông, có trình độ thấp. Những lớp người tinh hoa, người ưu tú và có trí tuệ sẽ ngày càng giàu lên. Sự phát triển không đồng đều, khiến cho sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tạo ra khoảng cách lớn.
Tất cả những tác động của quá trình toàn cầu hóa này đã và đang gây ra những biến đổi lớn và ngày càng làm xói mòn các vấn đề xã hội. Đây là những lo ngại mà con người đang đối mặt và cần phải tính toán, giải quyết. Bên cạnh đó, kéo theo hệ lụy khác là sự suy giảm mối liên kết, sự bất bình đẳng trong thu nhập cũng gây ra sự “đổ vỡ” trong xã hội.
Dẫn chứng những đổ vỡ và mất việc làm của hàng loạt công nhân, người lao động trong các nhà máy của Anh, Pháp và Đức ở những thế kỷ 17, 18 trong cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, ông Helmut Pabst cho biết các cuộc cách mạng trước đó cũng đã gây ra những xói mòn xã hội, trong đó có việc sa thải hàng loạt người lao động trong các nhà máy tại Anh, Đức và Pháp.
Đầu thế kỷ 20, thế giới lại tiếp tục chứng kiến hàng loạt tác động này. Vấn đề liên kết xã hội, liên kết giữa các tầng lớp nhân dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Xem xét việc sử dụng các phương tiện như xe ôtô hạng sang hay những người đi xe máy đã cho thấy dấu hiệu rõ nét của việc phân biệt khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng trong thu nhập cũng như đời sống xã hội của người dân.
Giám đốc Dự án DGRV tại Việt Nam Helmut Pabst thuyết trình tại buổi làm việc |
HTX phải chống lại “xói mòn” xã hội
Theo đánh giá của DGRV, thời gian qua Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định nhằm nâng cao vai trò của mình và càng tích cực hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Nếu năm 1993 Việt Nam có tới 60% người đói thì đến năm 2017, Việt Nam chỉ còn 7,9% người nghèo và không còn người đói, không có người nào bị bỏ rơi ra ngoài xã hội. Đây là kết quả hết sức tích cực mà Việt Nam đã làm được và được các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới ghi nhận.
Đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, để hạn chế được khoảng cách giàu nghèo khi mà nền công nghiệp 4.0 hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, DGRV đã xây dựng một khung chương trình để giảm thiểu sự “xói mòn” đối với vấn đề xã hội, trong đó có sự bất bình đẳng nội tại.
Cụ thể, quá trình công nghiệp hóa là phải tạo ra hàng loạt việc làm mới, từ đó giúp cho người lao động nghèo, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, vai trò của Liên minh HTX cũng ngày càng tạo ra hàng loạt việc làm mới gắn với người dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, mà cần phải nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng cho người dân, nhất là lao động vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây chính là điều kiện thuận lợi để họ bắt kịp yêu cầu thực tế của công việc, nhất là hệ thống tự động hóa trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh ở các nông trường, trang trại, hệ thống siêu thị nông nghiệp sạch, bền vững và theo chuỗi giá trị.
Để làm được việc này, các HTX phải thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay là hài hòa lợi ích, tạo việc làm và xây dựng mối quan hệ bình đẳng. HTX hiện đại bảo đảm vai trò trong bối cảnh mới phải thực sự nổi bật, có tác động vĩ mô, tạo lợi ích cho các thành viên, tiếp cận thị trường; sản phẩm và dịch vụ phải theo yêu cầu; tăng thu nhập cho thành viên.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX để phát triển kinh doanh và có bản sắc riêng. Phải có sự tăng trưởng về chất, mang đặc điểm của HTX hiện đại bằng cách tự lực, tham gia một cách dân chủ, tự chịu trách nhiệm; tự quản lý; tạo sự tin tưởng, quản trị được rủi ro thông qua việc bảo đảm các yêu cầu theo quy định; ngăn ngừa rủi ro về pháp lý, đạo đức và rủi ro về thị trường...
Để làm được việc này, nhất là triển khai áp dụng ở Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần phải xác định rõ vị trí của HTX theo hướng là tổ chức chính trị xã hội, ít gắn với lợi nhuận và gắn với sự tương trợ hoặc HTX là doanh nghiệp và gắn với lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển các HTX về quy mô, về số lượng cũng cần gắn với phát triển về chất lượng để bảo đảm các HTX hoạt động có lãi và thực sự trở thành điểm đến, điểm tập hợp của người dân.
Chỉ có như vậy mới có thể ngăn ngừa, hạn chế được sự “xói mòn” mà Giám đốc Dự án DGRV tại Việt Nam Helmut Pabst đã đặt ra.
Hà Nam