Đầu tháng 6/2022, khi các vấn đề về nông nghiệp được đưa ra trên nghị trường quốc hội, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định người nông dân đừng quá háo hức với nông sản xuất khẩu giá cao mà hãy coi trọng thị trường nội địa bằng những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao.
Nắm chắc thị trường nội địa
Thực tế cho thấy, trong nửa thập kỷ qua, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang có sự phát triển vượt bậc. Nhiều HTX điểm có doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm thành viên, đồng thời thành công đưa các sản phẩm chất lượng cao sang các thị trường khó tính.
Đơn cử như HTX sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà (Hòa Bình) đã xuất khẩu thành công hàng trăm tấn chuối được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc. Tất cả các yêu cầu trồng trọt, quy trình sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối tươi của HTX được thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn, thân thiện môi trường.
Hay như HTX sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Bắc Giang) sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Hiện HTX có hơn 30 ha vải thiều, sản lượng năm 2022 ước đạt hơn 300 tấn. HTX đang liên kết với công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương) duy trì đưa sản phẩm vải tươi sang thị trường Trung Đông, Nhật Bản và xuất vải thiều khô sang Đài Loan.
Trước khi mở cửa thị trường xuất khẩu, nông sản cần có được niềm tin của người tiêu dùng trong nước. |
Đang có những chuyển biến tốt, song phải nhìn nhận một thực tế, nông sản Việt Nam nói chung và nông sản của HTX nói riêng chưa thực sự có một chỗ đứng vững vàng trên thị trường quốc tế. Nhưng theo các chuyên gia, trước khi mở rộng thị trường xuất khẩu, nếu nắm được lợi thế tại thị trường trong nước, nông dân vẫn có thể “sống khỏe”.
Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, nhiều người hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật mấy trăm nghìn một cân, xoài qua Mỹ giá cao không ngờ, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp thế? Thực tế để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistic rất cao nên nông dân không nên quá háo hức.
Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không, và so với bán nội địa thì lời lãi thế nào? Điển hình như tại Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nhưng nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP.HCM thì mới rõ bức tranh màu xám hay màu hồng.
"Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu? Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Có thể thấy, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều cho rằng trước khi “mang chuông đi đánh xứ người” thì nông sản của Việt Nam nói chung, hay nông sản của các HTX nói riêng cần chú trọng và nắm chắc thị trường nội địa. Nếu có được sự tin trưởng của người tiêu dùng trong nước thì nông sản chắc chắn không lo “được mùa mất giá”.
Thay đổi tư duy sản xuất
Một thị trường xấp xỉ 100 triệu dân rõ ràng là một lợi thế, nhưng trong bối cảnh hội nhập, việc nâng cao sức cạnh tranh với nông sản từ nước ngoài ồ ạt tiến vào rõ ràng không phải là vấn đề dễ dàng với các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp. Để nắm lợi thế, nông dân cần thay đổi về bản chất.
"Mọi sự thay đổi đều khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Chúng ta phải thay đổi".
..........................................
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
Cụ thể, theo chuyên gia, các HTX, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hỗ trợ người nông dân chuyển đổi tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học thân thiện môi trường vào canh tác để tiết kiệm chi phí khoảng 30-40%.
"Mọi sự thay đổi đều khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Chúng ta phải thay đổi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Thực tế, trong thời gian qua, đã có nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi và có được thành công tích cực. Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (Bắc Giang).
Thành lập từ năm 2017, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, HTX đã chú trọng tới chất lượng sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó sản phẩm của đơn vị đã được người tiêu dùng đón nhận.
Được biết, hiện nay sản phẩm chính của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên là dưa chuột, cà chua và dâu tây. Bình quân mỗi tháng, đơn vị cung cấp ra thị trường 30-50 tấn sản phẩm. Thị trường chính hiện nay gồm hơn 50% cung cấp cho siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, còn lại là bán online.
Rõ ràng, sự thay đổi trong tư duy sản xuất là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập. Nhưng đến nay sự thay đổi vẫn chưa thực đáp ứng kỳ vọng.
Vì vậy, trong thời gian tới, các HTX cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, chủ động hơn nữa trong việc đổi mới sản xuất. Chuyển sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao. Không tìm mọi cách tối đa sản lượng mà phải tối ưu hóa giá trị.
Trước khi nghĩ đến các vấn đề vĩ mô, các HTX cần chủ động tận dụng lợi thế sản phẩm đa dạng, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường, tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao, qua đó nắm giữ được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Nhật Minh