HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Minh (Nam Điền, Nghĩa Hưng, Nam Định) đang là điểm sáng vượt qua thách thức, phát triển ổn định trong đại dịch Covid-19, hướng tới những đột phá trong thời gian tới nhờ sự đầu tư mạnh cho khâu liên kết, sản xuất xanh và chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Hướng đi tất yếu
Cụ thể, trong hơn 3 năm hoạt động, HTX đã thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng nông sản hàng hóa với một số sản phẩm thủy sản và rau màu chủ lực như cà chua, dưa, rau hẹ…
Đặc biệt, với sản phẩm rau hẹ, HTX đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại tỉnh Ninh Bình để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, với bao bì, nhãn mác đẹp mắt.
Tương tự, HTX Bảo Minh (Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La) cũng đang là một trong những điển hình đã tìm ra hướng đi mới nhằm thích ứng với biến động thị trường thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, đầu tư các kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm, chuyển hướng chế biến sâu.
Giám đốc HTX Bảo Minh Phạm Thùy Trang cho biết, trong 2 năm qua, HTX chủ động đầu tư 3 kho lạnh với sức chứa lên đến hàng nghìn tấn, nhằm phục vụ việc thu mua nông sản cho người dân và chuyển hướng một phần sang chế biến sâu.
Đơn cử, chỉ tính riêng vụ nhãn năm 2021, HTX đã tiêu thụ hơn 1.100 tấn nhãn tươi. Đồng thời, chuyển đổi 70% sản lượng nhãn sang chế biến long nhãn để xuất sang Trung Quốc. Hiện tại, HTX Bảo Minh đang tiến hành thu mua khoảng 1.000 tấn ngô hạt và 3.000 tấn sắn tươi để chế biến xuất khẩu.
Chế biến sâu là "chìa khóa" giúp HTX mở rộng thị trường, chinh phục thị trường xuất khẩu. |
Theo Giám đốc Phạm Thùy Trang, để phục vụ chế biến xuất khẩu, HTX đã chủ động hoàn thiện các khâu sản xuất, bắt đầu với việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh thái.
Cụ thể, 100% diện tích nhãn nguyên liệu phục vụ chế biến của HTX hiện được triển khai theo quy trình hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, nguồn nước tưới đảm bảo độ trong, sạch, không lẫn tạp chất gây ảnh hưởng sức khỏe.
Có thể thấy, chế biến sâu chính là nhân tố quan trọng để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản một cách căn cơ, triệt để. Tuy vậy, để hoạt động chế biến nông sản diễn ra mạnh mẽ hơn, các chuyên gia cho rằng cần xem HTX, doanh nghiệp là trung tâm của chính sách hỗ trợ.
Khảo sát cho thấy, các HTX, doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi như yêu cầu phức tạp về thủ tục thẩm định, ngân hàng chưa chấp nhận tài sản đảm bảo trên đất hoặc chấp nhận nhưng định giá rất thấp, kể cả các tài sản có giá trị cao như nhà kính, nhà lưới…
Cần thêm cơ chế
Theo thống kê, cả nước hiện có trên 7.000 HTX, doanh nghiệp hoạt động (toàn phần hoặc một phần) trong lĩnh vực chế biến, trong đó đa số là HTX, doanh nghiệp nhỏ tiềm lực yếu về vốn, công nghệ.
Vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam có thể học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... hỗ trợ rất mạnh không chỉ cho HTX, doanh nghiệp chế biến nông sản mà cho các HTX, doanh nghiệp chế tạo máy công nghiệp, từ đó giúp hạ giá thành máy móc, thiết bị kỹ thuật.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trong khi trình độ công nghệ chế biến chỉ ở mức trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Năm 2019, xuất khẩu thô là 90%, đến năm 2020 - 2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%. Các nhà máy sơ chế, chế biến trong nước hiện mới chỉ đang hoạt động ở mức 60% công suất.
Trước thực tế đó, ông Toản cho rằng, mấu chốt để giải quyết vấn đề này nằm ở chính các HTX, doanh nghiệp, các hiệp hội và người sản xuất. Để chế biến đạt kết quả như mong muốn, nguyên liệu đầu vào cũng cần phải đạt chuẩn. Do đó, sự hợp tác giữa HTX, doanh nghiệp, nhà máy chế biến và người dân cần phải được khởi tạo ngay từ khâu sản xuất ban đầu.
Rõ ràng, việc đẩy mạnh chế biến để giảm xuất thô là điều không dễ. Để làm được, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị sản xuất, các cơ quan quản lý cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nhất là chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kết nối từ nhà máy sản xuất đến vùng nguyên liệu, để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển công nghiệp chế biến.
Ngành nông nghiệp và các địa phương cũng cần tăng cường xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ và xây dựng, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản.
Thự tế cho thấy, Việt Nam hiện nay không chỉ có tiềm năng mà còn có cả lợi thế và thành tựu về sản xuất chế biến nông sản. Nếu tập trung vào đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và công nghiệp chế biến bảo quản, nông nghiệp Việt Nam sẽ có thể vào tốp đầu thế giới.
Nhật Minh