Theo Bộ Công thương, Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn với nhóm nông sản nhập khẩu từ nước ngoài bao gồm cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, đậu nành… Trong khi Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất các sản phẩm trên, có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Nhiều cơ hội đang chờ đợi
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 874 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ 2021. Một số mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng đã có tiếng trên thị trường Nhật Bản như thanh long, chuối, dừa, vải…
Với những thành công đang có, ông Ken Griffey Santo, Giám đốc Công ty BETOHASU - doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam phân phối tại Nhật Bản, cho biết lượng du học sinh và người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản tăng 10 lần trong thập kỷ qua, đạt 430.000 người năm 2021.
Ở các thành phố lớn của Nhật Bản quán ăn Việt Nam khá phổ biến nhưng ở thành phố nhỏ, vùng nông thôn hiện vẫn chưa có hoặc có rất ít. Do vậy, vẫn còn nhiều dư địa cho thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản để phục vụ đối tượng này.
Thực tế, trong những năm qua, đã có không ít HTX thành công đưa sản phẩm sang Nhật. Điển hình như HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn (Lâm Hà, Lâm Đồng) đã xuất khẩu thành công hàng trăm tấn chuối chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản kể từ năm 2018.
Hiện tại, HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn có khoảng 200 ha chuối Laba, phân bố tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng), trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 100 ha và đều được hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Với giá bán ổn định 8.000 - 12.000 đồng/kg theo hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản, ước tính 1ha chuối sẽ cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha) trong một năm.
Nông sản hữu cơ Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường Nhật Bản. |
Được biết, để mở rộng quy mô hoạt động, trong năm 2021, HTX Thương mại, dịch vụ LaBa Phú Sơn đã thành lập thêm 7 tổ hợp tác (THT) gồm THT nuôi bò, THT sản xuất rau quả, THT chăn nuôi gia súc, gia cầm, 2 THT trồng dâu nuôi tằm và 1 THT trồng chuối Laba.
Cũng có thể kể đến HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand (Triệu Sơn, Thanh Hóa) xuất khẩu thành công sản phẩm thịt thỏ sang Nhật Bản để nghiên cứu và sản xuất dược phẩm. Hiện, HTX đang thực hiện hợp đồng cung ứng sản phẩm cho Công ty Nippon Zoki khoảng 2.000 - 3.000 con thỏ/tháng, giá bán trung bình 178.000 đồng/con.
Mô hình HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand đã giúp các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Tham gia nuôi thỏ, lợi nhuận của mỗi thành viên trong HTX đều đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm. HTX có trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, nên việc chăn nuôi của thành viên khá ổn định.
Chất lượng là “chìa khóa”
Việc tiếp cận và chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản rõ ràng là tín hiệu đầy tích cực cho các sản phẩm nông sản của HTX. Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng, giá trị, đồng thời khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường này, thì còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Yếu tố quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là chất lượng sản phẩm. Theo đó, các HTX cần theo đuổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP hay Organic JAS, hay tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản, tạo ra những mặt hàng sạch, thân thiện môi trường.
Bà Ino Mayu, chuyên gia đến từ Nhật Bản, cho rằng để đáp ứng tiêu chuẩn JAS của Nhật không quá khó. Nông dân chỉ cần tập trung làm bài bản, quy trình đồng bộ, tập trung nâng cao công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị cho nông.
Ở góc độ của đơn vị xuất khẩu, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Tấn Đạt (Vĩnh Long), cho biết đơn vị có chứng nhận quốc tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong đó, tiêu chuẩn của Nhật Bản là khó nhất.
Theo ông, để đạt chứng nhận này vừa dễ mà cũng vừa khó. Muốn làm hữu cơ, trước hết phải tổ chức lại để các thành viên HTX tuân thủ quy trình sản xuất khoa học, theo tiêu chuẩn xanh, sạch, thân thiện môi trường. Cùng với đó, cần có một quy trình chuẩn để các hộ nông dân, HTX đưa vào áp dụng thống nhất.
Ngoài ra, muốn làm hữu cơ phải chấp nhận 3 năm đầu không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp vì trong thời gian cải tạo đất, năng suất sụt giảm 30%. Nhưng bên cạnh đó có thể vận dụng các chính sách của Nhà nước hiện có để hỗ trợ thêm cho bà con trong sản xuất hữu cơ.
Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thanh Hải (Bắc Giang) cho biết, HTX có 10 ha vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Ông cho biết để sang Nhật Bản, quả vải phải vượt qua vô vàn thử thách, với quy trình sản xuất hữu cơ, chất lượng và mẫu mã cũng ở mức rất cao.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nếu sản xuất không theo tiêu chuẩn thì không thể xuất bán ra nước ngoài, thậm chí bán trong nước cũng khó. Vì vậy, các HTX nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cần thay đổi từ trong tư duy để tiếp cận xu thế tiêu dùng xanh.
Có thể thấy, toàn cầu hóa giúp cho nông sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận các thị trường lớn, điển hình như Nhật Bản giúp nâng cao giá trị gia tăng. Song, một thực tế dễ thấy là phần lớn các HTX, doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa thực sự sẵn sàng để thay đổi và bắt nhịp với xu thế.
Để không đánh mất cơ hội, bản thân các HTX, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.
Nhật Minh