Lập sàn giao dịch để gỡ khó
Tính đến hết quý I/2020, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 289 HTX đang hoạt động, trong đó 5 HTX mới thành lập (HTX Lâm nghiệp Hồng Hạ, HTX Lâm nghiệp Phong Xuân, HTX Lâm nghiệp Hương Phong, HTX nông nghiệp Dược liệu A Roằng, HTX nông nghiệp Xanh Narasa). Trong quý I/2020, hầu hết các HTX đến giai đoạn Đại hội nhiệm kỳ (5 năm sau khi chuyển đổi HTX theo Luật năm 2012), nhiều HTX sau Đại hội đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX cơ bản được duy trì.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã tập trung sản xuất vụ Đông xuân ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ngoài các dịch vụ phục vụ cho sản xuất lúa và chăn nuôi, các HTX vẫn duy trì một số dịch vụ mới như: Quản lý rừng bền vững, phát triển thêm ngành nghề mới ở nông thôn góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 trong những tháng đầu năm nên các sản phẩm nông nghiệp nhất là các sản phẩm hoa màu, chăn nuôi, chế biến của các HTX gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Sàn Kinh tế hợp tác được thành lập để giải cứu nông sản của các HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: TL) |
Ông Phạm Hồng Phong, Chánh văn phòng Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trước tình hình chung của cả nước cũng như thế giới đối với tác động của dịch Covid-19, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do sản phẩm làm ra khó được tiêu thụ, chỉ khoanh vùng trong khu vực đối với các HTX nông nghiệp. Sản phẩm của HTX chủ yếu tự cung tự cấp, việc tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh bị hạn chế, các nhà hàng, khách sạn hầu như ngừng hoạt động. Do đó, Liên minh HTX tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập Sàn kinh tế hợp tác từ cuối tháng 2 và bắt đầu hoạt động vào ngày 7/3/2020 để thực hiện giải cứu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho HTX và bà con nông dân. Theo đó, sàn giao dịch có địa chỉ kinhtehoptac.com và Phòng trưng bày, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho HTX và các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh tại số 16 Nguyễn Lương Bằng, TP Huế.
“Chỉ tính từ ngày 20/3 - 1/4, dưới sự chỉ đạo tích cực của Liên minh HTX tỉnh, sàn kinh tế hợp tác đã tiếp nhận 171 đơn hàng trực tuyến và thông qua các cửa hàng đã giúp tiêu thụ cho bà con nông dân với số lượng 4.063 con vịt, 3.346 con gà. Ngoài ra đã thực hiện tiêu thụ các loại sản phẩm khác như: Tôm, cá, rau má, gạo... thông qua bán hàng trực tuyến. Đến nay đã có 9.429 lượt truy cập sàn, có 3.500 khách hàng đăng ký làm thành viên của sàn và trao đổi thông tin mua sắm. Với kết quả đó, Sàn kinh tế hợp tác đã được UBND tỉnh định hướng là Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy cung cầu, xúc tiến thương mại, giúp người dân dễ dàng tiếp cận cách thức mua sắm tiện lợi, hiện đại và văn minh”, ông Phong nói.
Hiện, Sàn kinh tế hợp tác tiếp nhận thông tin, theo dõi đơn hàng giải cứu gia cầm cho nông dân (Ảnh: TL) |
Vẫn cần chính sách tháo gỡ
Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngoài những khó khăn vướng mắc chung như: Khó khăn về vốn, trình độ của đội ngũ quản lý HTX, chính sách về đất đai cần phải được tháo gỡ từng bước và lâu dài thì các HTX hiện nay cần được tháo gỡ để có thể vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Ông Doãn phân tích, đối với các HTX nông nghiệp, chỉ khoanh vùng trong khu vực HTX, sản phẩm chủ yếu tự cung tự cấp chứ không tiêu thụ được trong và ngoài tỉnh. Do đó, tình trạng nông sản cần được giải cứu trở nên báo động gây nhiều ảnh hưởng đối với bà con nông dân. Đối với các HTX phi nông nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nhất định tùy theo từng ngành nghề kinh doanh. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành vận tải và ngành dịch vụ du lịch do quá trình di chuyển của hành khách và người dân bị hạn chế. Một số HTX việc làm cũng phải tạm ngừng hoạt động do thực hiện cách ly toàn xã hội, trong khi đó đối tượng lao động trong HTX bị ngừng việc lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước thực tế này, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Liên minh HTX Việt Nam, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan quan có giải pháp tháo gỡ như: Thành lập cơ quan thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thị trường cấp quốc gia để cung cấp thông tin thị trường phù hợp cho các địa phương, HTX, người nông dân để họ chủ động sản xuất gắn với tiêu thụ. Tạo hành lang pháp lý và điều kiện để phát triển sản xuất hàng hoá, có chính sách hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm HTX, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho HTX. Tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của quỹ tín dụng nhân dân (hiện nay là mức 17%); của HTX, nhất là các dịch vụ phục vụ cho nông dân, thành viên của HTX nên tiếp tục giảm (mức hiện nay là 20%).
Sàn kinh tế hợp tác bán nông sản sạch (Ảnh: TL) |
“Kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng sản xuất, vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hỗ trợ tín dụng cho các HTX nông nghiệp, cho vay đầu tư xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản tái cấu trúc sản xuất, mua cây, con giống, tái đàn, mở rộng sản xuất ngay khi hết dịch. Hỗ trợ chi phí bảo quản kho hàng hoá, nông sản cho các HTX gặp khó khăn do tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020. Miễn, giảm hoặc khoanh nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cán bộ quản lý HTX bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19. Áp dụng chính sách hỗ trợ cho người lao động trong HTX bị mất thu nhập do dịch Covid- 19 như doanh nghiệp”, ông Doãn nêu ý kiến.
Phạm Duy