Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, từ năm 2002 đến 2018 có 391.284 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng; có 34.973 cán bộ HTX được hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp đến đại học. Ngân sách Trung ương hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng HTX, THT giai đoạn 2007 - 2018 khoảng 448 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ khoảng 648 tỷ đồng.
Hạn chế nhân lực chất lượng cao
Số lượt người được tham gia đào tạo và bồi dưỡng tăng dần qua các năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng khá đa dạng, đáp ứng một phần yêu cầu tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Từ năm 2007, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm chính sách thu hút cán bộ trẻ về làm việc tại HTX. Một số địa phương đã liên kết, trao đổi với các bộ, ngành và các trường đại học, cao đẳng bằng việc mở lớp tại địa phương, hỗ trợ hoặc miễn học phí cho sinh viên theo học ngành kinh tế, kỹ thuật, con em và cán bộ HTX với điều kiện sau khi tốt nghiệp ra trường cam kết về làm việc cho HTX tối thiểu 5 năm. Đến hết năm 2018, có 24 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX và đưa 508 cán bộ trẻ về làm việc tại 348 HTX.
Chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm 47%, số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 18%.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, mặc dù chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX đã có nhiều chuyển biến, nhưng số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 6% so với tổng số hơn 6 triệu cán bộ, thành viên HTX cả nước, trong khi nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là rất lớn. Kinh phí bố trí cho hoạt động đào tạo còn hạn chế, chưa có hệ thống đào tạo về KTHT một cách bài bản, nội dung đào tạo, tập huấn nặng về lý thuyết, ít nội dung về kinh nghiệm thực tiễn của các HTX, mặc dù Liên minh có hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp.
“Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KTHT, HTX, ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo trình, giáo án, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các trường của hệ thống Liên minh thì cần liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành cao trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cho biết.
Chất lượng đào tạo của các trường sẽ đem lại lợi ích cho DN, HTX |
Liên kết để nâng cao chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, hiện chúng ta có hơn 55 triệu lao động, trong đó mới chỉ có khoảng hơn 24% lao động qua đào tạo. Đặc biệt, Việt Nam hiện có hơn 35% (trong đó có hơn 6 triệu lao động làm việc trong khu vực KTHT, HTX) lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và rất ít được đào tạo, trình độ còn hạn chế. Đến thời điểm này, các DN, HTX, đặc biệt là DN FDI vẫn cần đến lao động qua đào tạo.
Hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam đang rất thấp so với yêu cầu thực tế, trong khi đó đáng ra trình độ nguồn nhân lực phải đi trước. “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhu cầu của DN về lao động có kỹ năng nghề là rất lớn. Do vậy, sự tham gia của DN trong việc đồng hành với công tác đào tạo nghề nghiệp, sự tham gia tích cực của người dân về đào tạo người có kỹ năng nghề là rất cần thiết”, thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết chất lượng đào tạo của các trường sẽ đem lại lợi ích cho DN, HTX. Do vậy, sự đồng hành của Nhà nước, DN, HTX và nhà trường, sự liên kết trong đào tạo nghề giúp nâng cao trình độ cho người lao động, từ đó người lao động có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực, khu vực kinh tế, trong đó có KTHT, HTX.
Hiện tại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồn lao động để có tay nghề cao hơn. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục rất cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị, DN, HTX, đồng thời phải tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức một cách đồng bộ cho người dân.
“Do vậy, Tổng cục đang lập kế hoạch và đề xuất với các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ công nhận và quyết định: “Ngày kỹ năng Việt Nam” để thay đổi nhận thức, lan tỏa giá trị, có danh hiệu cho người lao động, cho người học nghề và lấy “Danh hiệu đại sứ nghề hoặc đại sứ kỹ năng” để tôn vinh nghề, truyền cảm hứng cho lao động trẻ, qua đó để học quyết tâm và có nhiều cống hiến cho xã hội, nhất là khu vực KTHT, HTX, khu vực nông thôn, miền núi và vùng kinh tế còn nhiều khó khăn”, ông Khánh cho biết.
Phạm Duy