Công tác xã hội hóa, với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả dạy nghề tại khu vực nông thôn |
Những năm qua, công tác nghề cho lao động nông thôn tại Vĩnh Lộc đang được đẩy mạnh, tập trung vào các nghề truyền thống như chăn nuôi - thú y, trồng trọt, cơ điện, hàn kim loại, đồng thời đưa vào giảng dạy một số nghề mới, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, hàn cơ khí, du lịch...
Bám sát thị trường
Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, đến nay, toàn huyện Vĩnh Lộc đã đào tạo nghề cho trên 1.500 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa phương lên trên 65%, đặc biệt trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau các khóa đào tạo.
Bà Lưu Thị Thương – Trưởng Phòng TĐ-TB&XH huyện, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả, huyện đã chủ động bám sát nhu cầu thị trường lao động để tổ chức dạy nghề cho người dân. Các nguồn lực hỗ trợ được huyện lồng ghép để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu dạy và học”.
Bên cạnh số lao động nông thôn được đào tạo nghề theo đề án hỗ trợ của Chính phủ, việc xã hội hóa công tác dạy nghề cũng được huyện đặc biệt quan tâm và cho thấy hiệu quả vượt trội.
Đơn cử, hàng năm, Trạm khuyến nông, Trung tâm dạy nghề, Hội Nông dân huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với các ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp, HTX để tổ chức nhiều lớp tư vấn khoa học - kỹ thuật, tuyển sinh các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường.
Điểm nhấn lớn nhất trong công tác xã hội hóa đào tạo nghề tại Vĩnh Lộc là sự tham gia của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết tháng 8/2019, toàn huyện có 35 tổ chức kinh tế tập thể, trong đó có 29 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả như HTX Tân Phúc, HTX Vĩnh Ninh, HTX Vĩnh Hưng, HTX Tân Lập...
Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nghề |
Dấu ấn từ HTX
HTX may mặc Hồng Ánh (xã Vĩnh Tiến) là HTX tiêu biểu trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật và phụ nữ đơn thân.
Trong thời gian học nghề 3 tháng, học viên của HTX được hỗ trợ tiền ăn 800.000 đồng/người/tháng. Sau khi học nghề, HTX tuyển dụng làm việc với lương năm đầu 1.500.000 - 2.000.000 đồng/người/tháng, đối với lao động có tay nghề, mức lương đạt 2.200.000 - 2.800.000 đồng/người/ tháng. Một số lao động có nhu cầu mở cơ sở, HTX hỗ trợ về đơn hàng, đầu ra sản phẩm
Tương tự, HTX gà thả đồi Tân Lập (xã Vĩnh Long) từ nhóm chăn nuôi 7 hộ thành viên, đến nay đã phát triển lên 18 thành viên, với tổng đàn từ 12.000 - 15.000 con gà thịt và 1.500 gà đẻ trứng, với các loại gà như: Ri Hòa Bình, lai chọi Thanh Lương, Phùng...
Để đảm bảo hiệu quả bền vững, các hộ chăn nuôi của HTX Tân Lập được UBND xã phối hợp với tổ chức GNI (Hàn Quốc) mở các lớp đào tạo, tập huấn về nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời, HTX cũng được phía GNI hỗ trợ về vốn quay vòng, kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình VietGAP, khảo sát thị trường, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đầu ra...
Bên cạnh sự tham gia của các mô hình HTX, huyện Vĩnh Lộc cũng đang duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, sản xuất, khai thác đá mỹ nghệ. Tham gia học nghề, lao động sẽ được đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học ngay tại công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Mô hình này đã mang lại hiệu quả cao, sử dụng được lao động nông nhàn tại địa phương với thu nhập bình từ 3.500.000 - 4.000.000 đồng/lao động/tháng, giải bài toán việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho địa phương và được nhân rộng trên địa bàn.
Điển hình là mô hình dạy nghề sản xuất chế biến đá mỹ nghệ xã Vĩnh Minh đã đào tạo trên 300 lao động, trong đó 85% người lao động sau 2 năm làm việc trở thành thợ lành nghề và có khả năng dạy nghề cho người khác.
Sáu Ngạn