Tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh HTX Việt Nam vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nếu đầu tư 1 đồng ngân sách vào kinh tế chung thì thu được 5 đồng, nhưng nếu đầu tư 1 đồng cho nông nghiệp thì sẽ thu lên tới 9 đồng. Chính vì vậy, thu hút người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp chính là cách đầu tư thông minh.
Chưa "hút" khách
Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp lớn, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu. Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 vẫn đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực luôn phải hứng chịu nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh do canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp mặc dù đã được triển khai từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được nhiều người dân, HTX, doanh nghiệp quan tâm.
Nông nghiệp luôn đi kèm với rủi ro, nhưng rủi ro có thể quản trị được. |
TS. Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay là dưới 2%.
Do quy trình xác định thủ tục thiệt hại bồi thường còn phức tạp nên người sản xuất, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.
Đơn cử như hiện nay, chẳng may một con trâu bị chết, người dân phải xin rất nhiều xác nhận của đơn vị chăn nuôi, của chính quyền địa phương, của cơ quan chuyên môn như: cơ quan thú y, ngành nông nghiệp địa phương… mà trong bản xác nhận có nhiều quy định liên quan đến yếu tố chuyên môn nên nhiều chính quyền địa phương chưa mạnh dạn xác nhận. Như vậy, việc xác định thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm còn khó khăn.
Hay đối với cây lúa, việc xác định thiệt hại do đoàn kiểm tra đánh giá, tính theo năng suất trung bình của xã. Điều này là chưa hợp lý vì người dân hiện còn sản xuất manh mún trên nhiều diện tích nhỏ lẻ và thực hiện bằng nhiều quy trình khác nhau nên mỗi diện tích sản xuất sẽ có năng suất khác nhau. Nếu áp dụng theo cách xác định này là chưa chính xác…
Không chỉ quy định rườm rà mà khi tham gia bảo hiểm đồng nghĩa với việc người dân, thành viên HTX phải đóng phí. Và theo các hộ dân, mức phí quá cao là nguyên nhân khiến họ chưa thể tham gia mô hình này.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Hà Minh Luân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi và Phát triển bò sữa Thái Hòa cho biết, trước đây, HTX được hỗ trợ khoảng 60% phí đóng bảo hiểm và phải đóng khoảng 3,5 triệu đồng/con bò/năm. Nhưng sau khi hết chính sách hỗ trợ, người dân không thể trả toàn bộ chi phí vì trung bình mỗi con là khoảng hơn 8 triệu đồng và theo nguyên tắc là phải mua bảo hiểm cho 100% số bò trong chuồng. Điều này gây khó khăn cho thành viên HTX vì chi phí ban đầu bỏ ra tham gia bảo hiểm quá cao.
“Trung bình một hộ nuôi 10 con con bò sữa, số tiền phải bỏ ra mua bảo hiểm là hơn 80 triệu đồng, nếu xảy ra rủi ro sẽ nhận hỗ trợ 24 triệu đồng/con, nhưng nếu hộ nuôi chỉ bị chết từ 1 - 2 con mỗi năm, số tiền bảo hiểm nhận về chưa đến 50 triệu đồng, chưa kể đến các điều khoản trong hợp đồng rất chặt chẽ, nếu bò bị chết nhưng không phải do các bệnh được bảo hiểm sẽ không được chi trả, tính ra thì chưa hợp lý vì người dân chỉ chăn nuôi mỗi hộ khoảng 5-10 con", ông Luân cho biết.
Còn về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, họ nhìn nhận việc người dân vẫn chủ yếu sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, chưa có mô hình cụ thể hoặc có mô hình nhưng tính liên kết chưa cao nên nếu đầu tư vào bảo hiểm nông nghiệp thì rủi ro lớn. Trong khi đó, người chăn nuôi thì liên tục rơi vào tình thế bị động vì giá cả thị trường xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chính sách cần gắn với thực tiễn
“Thực tế hiện nay, nhiều hộ nông dân, HTX sản xuất nhưng do vốn đầu tư nhỏ nên doanh thu chưa cao. Nhiều hộ sản xuất theo kiểu “lấy công làm lãi” nên cứ nghe nói tham gia bảo hiểm và phải đóng phí là họ không tham gia”, TS. Nguyễn Thị Hoà cho biết.
Bên cạnh đó, do đây là một loại hình bảo hiểm mới nên chưa nhận được sự tham gia của nhiều người. Chia sẻ với VnBusiness, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Phong (Lào Cai), ông Phạm Văn Chung cho biết, ông mới nghe đến hình thức bảo hiểm này và cũng chưa thấy phổ biến ở địa phương nên chưa tham gia.
Thực tế, bản chất của ngành nông nghiệp là gắn liền với rủi ro cao. Do vậy, bảo hiểm nông nghiệp được coi là công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường. Chỉ một bộ phận lớn người dân luôn lựa chọn khả năng chắc chắn xảy ra tổn thất mới tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, do nguồn vốn còn hạn chế nên người dân chưa đủ lực để đi đường dài với loại hình này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Đức Phát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung Ương, cho rằng những tổn thất trong sản xuất nông nghiệp làm cho người nông dân chậm thanh toán được nợ nần. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân khó tiếp tục vay vốn từ các ngân hàng.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp chuyên cung cấp bảo hiểm nông nghiệp, ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), cho biết thêm, bảo hiểm nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất vì nó góp phần khắc phục các rủi ro, tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và giúp người nông dân có điều kiện để phục hồi, tái sản xuất.
"Thời gian qua, chúng tôi đã xem xét thực tế sản xuất của người dân để giảm lãi suất vay, từ đó tạo điều kiện cho hộ nông dân có tiền mua bảo hiểm nông nghiệp", ông Hoàng chia sẻ.
Để thu hút người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, theo các chuyên gia, còn rất nhiều việc cần làm. Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp còn khá mới mẻ ở Việt Nam, trong đó khâu sản xuất của người dân vẫn còn những hạn chế nhất định. “Thực chất, nhu cầu về bảo hiểm nông nghiệp đối với người dân, HTX là có nhưng chính sách cho bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định nên đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia”, ông Hưng nói.
Đây cũng chính là khó khăn đặt ra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chuyên môn. Bởi rủi ro của nông nghiệp nước ta lớn hơn nhiều so với các nước khác nên tham gia bảo hiểm nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người nông dân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: "Ngoài chính sách thuế đối với khu vực này, Bộ Tài chính sẽ xây dựng chính sách thuế theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro cho người nông dân", ông Võ Thành Hưng cho biết.
Rủi ro là một yếu tố không thể tránh khỏi nhưng lại là một yếu tố có khả năng quản lý được trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy, cần hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún bằng cách phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị công nghệ cao. Điều này sẽ hạn chế rủi ro, người dân khi đó sẽ thấy được giá trị của nông sản nên sẽ quan tâm đến bảo hiểm.
Bên cạnh những thay đổi về chính sách, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích chính sách và chủ động tham gia theo đúng quy trình. Đây cũng là cách để giúp người dân trở thành nông dân thông minh trong thời kỳ hội nhập.
“Khi tham gia chuỗi, ý thức sản xuất sẽ tăng lên. Lúc này sẽ đáp ứng được tiêu chí bảo đảm quy trình sản xuất trong xác định giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, vì khi gặp rủi ro, công tác bồi thường được thực hiện nhanh chóng”, ông Nguyễn Duy Hưng phân tích.
Huyền Trang