Tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 26/11, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, khẳng định nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
"Trong mục tiêu tổng thể này cần tổng kết nghị quyết 26 xem đã làm được những kết quả gì, việc gì còn nợ người dân. Tới đây cần có chiến lược, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", ông Hưng nói.
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những bước phát triển rõ rệt.
Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,94%/năm và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Năm 2020 sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.
Thu nhập bình quân ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người/ năm 2010 lên trên 42 triệu đồng/người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%.
Chính sách chồng chéo, đầu tư chưa thỏa đáng
Tuy vậy, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu khiến người dân, HTX còn bị động trong sản xuất. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc.
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những bước phát triển rõ rệt. |
Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, thời gian qua, các HTX đã tham gia phát triển các chuỗi giá trị để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thế nhưng, cơ cấu lại sản phẩm nông sản diễn ra chậm, chưa thích ứng kịp sự biến đổi về khí hậu và thị trường.
Đến nay, vẫn còn 85% sản phẩm nông sản do thương lái và chợ đầu mối đảm nhiệm logistics và phân phối, 15% nông sản tiêu thụ thông qua kênh phân phối tiện ích và thương mại điện tử.
Đi cùng với đó là chi phí logistics cao hơn so với sản phẩm nông sản cùng loại của các nước trong khu vực. Năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng khoảng 44,5% năng suất lao động chung của nền kinh tế.
Có tình trạng trên là do pháp luật về đầu tư còn chồng chéo giữa Luật Đầu tư với pháp luật chuyên ngành làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất lớn gây chồng chéo trong thực hiện và triển khai.
“Ngoài các Luật còn có các Nghị định và Thông tư khác nhau. Đến nay, vẫn còn 365 thủ tục hành chính, 272 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gây khó khăn cho người dân, HTX và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư), cho biết.
Bên cạnh đó, cơ cấu vốn đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn bất hợp lý, nặng về thủy lợi (khoảng 60%), ưu tiên nhiều cho cây lúa. Một số ngành có khả năng đem lại lợi nhuận cao góp phần nâng cao hiệu quả của kinh tế nông nghiệp và nông thôn ít được đầu tư như: chế biến thực phẩm, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản,…
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết hiện, điều kiện cần thiết để phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn nhiều hạn chế và bất cập về quy hoạch vùng nguyên liệu trong liên kết vùng, tích tụ và tập trung ruộng đất, kết cấu hạ tầng sản xuất và thông tin, quy chuẩn hóa đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị (đầu vào, sản xuất và đầu ra).
Đặc biệt, tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vào ngành nông nghiệp chỉ khoảng 5,8% của cả nước. Đầu tư theo hình thức PPP mới thí điểm và ở quy mô nhỏ. Cơ chế, chính sách còn bất cập trong phát triển bền vững vùng nguyên liệu, chưa đủ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ đẩy mạnh đầu tư và bao tiêu sản phẩm
Theo các chuyên gia, cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh nên chưa thực sự khuyến khích được người dân, thành viên HTX sản xuất kinh doanh. Đây cũng là lực cản khiến các HTX chưa liên kết được với các doanh nghiệp để phát triển theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị công nghệ cao gắn với chuyển đổi số. Nếu không làm được điều này thì không thể tạo được động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả và bền vững.
Tín dụng kém hấp dẫn
Không chỉ cơ chế chính sách mà vấn đề tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế nhất định và là lực cản đối với người dân, HTX, doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất kinh doanh.
TS. Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2000 đã tăng bình quân 18,59%/năm (cao hơn mức bình quân 17,75% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2000 chiếm khoảng 1,4% (luôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế).
Theo các chuyên gia, cần có cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng bộ để tạo động lực cho người dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. |
Tuy nhiên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn kém hấp dẫn so với tín dụng ở các lĩnh vực khác. Cụ thể như nguồn lực để thực hiện các chính sách cho nông nghiệp nông thôn còn hạn chế. Mức cho vay một số chương trình còn thấp, chưa theo kịp biến động về giá cả của thị trường.
Hiện, phần lớn tài sản đảm bảo trong cho vay nông nghiệp, nông thôn là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản nên có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao. Các kho hàng có thể phát hành các biên nhận kho hàng đáng tin cậy và được công nhận còn rất ít. Đi cùng với đó là các địa phương vẫn còn những vướng mắc về thủ tục hành chính trong cấp chứng nhận quyền sử dụng đất/quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Thị Hoà những điều trên khiến người dân, HTX thường không đảm bảo yếu tố về tài sản đảm bảo trong khi làm thủ tục vay tín dụng phục vụ sản xuất nên không thể vay vốn các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đang chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tuy nhiên chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa đầy đủ, chậm triển khai nên chưa phát huy được hiệu quả trong phát triển nông nghiệp.
“Quy trình thủ tục xác định thiệt hại, bồi thường còn phức tạp nên người dân, HTX khó tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Đó là còn chưa kể đến các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí chưa đa dạng nên chưa hấp dẫn được người nông dân, HTX”, bà Hòa chia sẻ.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng nông nghiệp Agribank, cho biết những tồn tại trong cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã diễn ra từ rất lâu. Đó là nguyên nhân đến nay, Agribank vẫn còn hơn 2 triệu hộ vay nhỏ lẻ, ở mức dưới 100 triệu đồng.
Đặc biệt hiện nay, trong Luật HTX năm 2012 có quy định về tín dụng nội bộ về HTX nhưng quá trình cho vay sản xuất đối với người dân, HTX vẫn còn rất khó khăn. Vấn đề cho vay đầu vào như giống, phân bón chưa được thực hiện nên chưa tháo gỡ được khó khăn cho người dân và thành viên HTX.
“Thực tế các nước trên thế giới đã đẩy mạnh cho người dân, HTX vay phục vụ đầu vào như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi với lãi suất 0%. Điều này đã thúc đẩy mô hình HTX ở các nước phát triển. Phải chăng các tổ chức tín dụng ở Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện điều này”, Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.
Tạo lực đẩy phát triển chuỗi
Trong các thời kỳ phát triển của đất nước và thực tiễn hai năm phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chủ trương của Nhà nước trong 10 năm tới.
Để đạt được mục tiêu và yêu cầu này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết. Bởi chuỗi giá trị sẽ giúp tăng sản lượng và giá trị nông sản, làm hài hoà lợi ích, nhất là lợi ích của nông dân đồng thời đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế được rủi ro thị trường.
Phát triển chuỗi giá trị công nghệ cao gắn với chuyển đổi số chính là bước đi hiệu quả để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời gian tới. |
Tuy nhiên, theo số liệu của một số bộ, ngành, tỷ lệ tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị nông sản gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn thấp (khoảng 15% - 20%) do hạn chế về cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, hiểu biết và kỹ năng công nghệ số của cán bộ quản lý và người lao động, năng lực tài chính yếu, chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn hạn chế.
Chính vì vậy, để tạo thuận lợi cho người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, trước tiên cần sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn (quy mô cấp tỉnh và liên kết vùng), đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó là cần sửa đổi Luật HTX năm 2012 và ban hành chính sách hỗ trợ cho HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX chuyên ngành sản xuất sản phẩm nông sản quy mô lớn, phát triển bền vững.
Để phát triển các chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, việc xây dựng các quy hoạch cụ thể chuỗi giá trị đối với từng sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia và ban hành các chính sách thúc đẩy "vượt trội" về đất đai, thuế, tín dụng... sẽ thu hút vốn FDI vào đầu tư chế biến.
“Cần hỗ trợ các đối tượng tham gia chuỗi tiền thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Ông Cao Đức Phát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung Ương, cho biết huy động mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn là những điều cần làm trong thời gian tới vì hiện nay hơn 60% nông dân có việc làm và thu nhập từ lĩnh vực này. Khi có nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho người dân, HTX thì việc thu hút doanh nghiệp liên kết với HTX phát triển sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.
Trước những khó khăn về phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài Chính, cho biết hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là tín hiệu vui trong quá trình phát triển chuỗi giá trị. Tuy nhiên các chính sách về quyền sử dụng đất, chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn là những khó khăn cần được tháo gỡ.
“Đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp của HTX đã được ưu đãi. Nhưng thuế thu nhập cá nhân đối với thành viên sau khi tính lãi vẫn chưa được thực hiện, điều này gây khó khăn cho HTX nên cần được xem xét để đáp ứng nhu cầu phát triển của HTX”, ông Võ Thành Hưng phân tích.
Nhận định phát triển chuỗi giá trị công nghệ cao gắn với chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, cho biết trong bối cảnh mới, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ thì việc cần làm lúc này là giúp người dân trở thành những nông dân thông minh, khi đó mới đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, nông thôn phát triên theo hướng hiện đại. Muốn vậy việc dành nguồn lực tài chính của ngân sách trung ương và địa phương đầu tư cho nông nghiệp là việc hết sức cần thiết.
“Đi kèm với đó, cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, bảo đảm giúp người dân tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với đổi mới sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Duy Hưng, nhấn mạnh.
Huyền Trang