Ngay từ ngày mùng 4 Tết, HTX Thanh Mai (huyện Văn Yên) đã khai xuân và tiến hành chế biến Bún khô, Phở khô Thanh Mai theo đơn đặt hàng. Đến ngày 10/2 (tức 10 Tết Nhâm Dần), HTX đã xuất 10 tấn Bún khô cho Công ty TNHH Phát triển thương mại dịch vụ Đông Hải ở Thành phố Hồ Chí Minh với niềm hân hoan "vui Xuân mới không quên nhiệm vụ".
HTX Thanh Mai tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần. |
HTX Lũng Lô (huyện Văn Chấn) là một trong 5 HTX được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách thí điểm của tỉnh Yên Bái tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021. Mặc dù nhận được Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, song ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm mới, HTX đã chủ động hoàn thiện hồ sơ đề nghị thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời tiến hành xây dựng Kế hoạch triển khai hoàn thiện HTX thí điểm để tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của Đề án và quy định của pháp luật.
Đối với Quỹ Tín dụng nhân dân Phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái), ngay sau khi trở lại làm việc bình thường, Quỹ đã tích cực cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp và người dân, hướng ưu tiên tín dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho thành viên.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh tổ chức thăm, động viên, chúc tết đầu Xuân Quỹ TDND Phường Nguyễn Thái Học vào ngày 8/2/2022. |
Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) - doanh nghiệp thành viên của Liên minh HTX tỉnh, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số. Giám đốc Nguyễn Đức Dũng cho biết: Doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ măng tre Bát độ xuất khẩu vào thị trường có tiêu chuẩn khắt khe là Nhật Bản, Đài Loan nên đối tác đòi hỏi kiểm soát tất cả các khâu. Từ trồng trọt, chăm bón của người nông dân đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến đều có nhật ký và truy xuất được nguồn gốc.
"Trước đây, chúng tôi ghi chép nhật ký truy xuất thủ công rất vất vả. Từ khi chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số vào sản xuất nên các lô măng từ khi canh tác, dời vườn đến khi chế biến và đóng gói xuất khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên máy tính", ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để quản lý được vùng nguyên liệu rộng lớn, Công ty sử dụng hệ thống quản lý rừng từ vệ tinh. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã cập nhật đến từng hộ trồng măng trên bản đồ số hóa về diện tích trồng, cập nhật khi vào vụ ứng dụng bao nhiêu phân bón, bán được bao nhiêu sản phẩm, giá mua bán sản phẩm… bảo đảm khách quan, minh bạch, người dân tự kiểm tra. Nhờ áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, Công ty giữ vững được uy tín với đối tác. Từ đó duy trì ổn định thị trường xuất khẩu đạt trên 2.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu hơn 70 tỷ đồng.
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Yên Thành. |
Có thể thấy, ngay từ đầu năm mới, các HTX, doanh nghiệp thành viên và toàn thể khu vực kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái đã tích cực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khắc phục khó khăn, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội để vươn lên, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.
Hoàng Hà
Liên minh HTX tỉnh Yên Bái