Khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa hiện đại của các HTX.
Thời của công nghệ
Trải qua 7 năm hình thành và phát triển, HTX nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Quảng Bình) ý thức sâu sắc việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thời đại chuyển đổi số 4.0.
Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nấm theo quy trình khép kín, HTX còn thực hiện chuyển đổi số thông qua việc sử dụng phần mềm để quản lý hàng hóa, qua đó nắm được lượng hàng ra-vào, tồn kho. Ngoài ra HTX còn áp dụng một số phần mềm để bán hàng thuận tiện liên kết với phần mềm quản lý hàng hóa, nên việc xuất nhập hàng cũng rất đơn giản và dễ dàng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số giúp HTX đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cho thành viên.
Đây là ví dụ điển hình về lợi ích của chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Nếu như trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có đến 24% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động thì dường như chuyển đổi số vẫn là cánh cửa rộng mở đối với không ít HTX.
Chuyển đổi số là động lực giúp các HTX hoạt động hiệu quả, thích ứng với sự thay đổi của thị trường. |
Theo nghiên cứu, HTX khi chuyển đổi số sẽ có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với HTX chưa chuyển đổi số. Tiêu biểu như HTX Thiên An (Bắc Kạn) mỗi tháng có thể chốt được 350-400 đơn hàng nông sản online, chiếm đến 70-80% tổng số đơn hàng của HTX hiện nay. Từ đó, thu nhập của thành viên đã tăng từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đang được các HTX thực hiện để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Chuyển đổi số được coi là xu hướng tất yếu để các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng các website, phần mềm, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử..., các HTX nông nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
“Chuyển đổi số là một hướng đi hữu ích khi giúp HTX giảm bớt được chi phí, nhân công, giúp các công đoạn sản xuất kinh doanh của HTX được nhanh gọn, tiện lợi và an toàn”, ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ.
Theo thống kê, sẽ có khoảng 30 tỷ USD được cộng thêm vào GDP của Việt Nam vào năm 2024 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, trong đó có các HTX, Liên hiệp HTX.
Điều này cho thấy, chuyển đổi số chính là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực KTTT, HTX phát triển. Thông qua việc số hóa quá trình sản xuất kinh doanh, các HTX sẽ ngày càng gia tăng năng lực cạnh tranh.
Trên thực tế, KTTT, HTX đang là thành phần kinh tế quan trọng, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia; hiện có tới 65% HTX trong tổng số hơn 27.342 HTX đang hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, khi thực hiện chuyển đổi số thành công, khu vực KTTT, HTX sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thêm động lực cho HTX chuyển đổi số
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, hầu hết các HTX hiện nay đều tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Tuy nhiên, không ít HTX vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu và không biết chuyển đổi số như thế nào cho phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Trương Cảm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Quảng Nam) cho biết, đến thời điểm này, các thành viên HTX cũng chưa thực sự biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ bộ phận sản xuất hay bán hàng, chuyển đổi số trong quản lý tài chính như thế nào, dùng công nghệ hay phần mềm nào cho phù hợp?
Theo các chuyên gia, các HTX hiện nay hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Thậm chí, một HTX cũng có rất nhiều dịch vụ và không phải HTX nào cũng có kiến thức về chuyển đổi số. Không chỉ thiếu kiến thức về nền tảng số, có HTX còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu tư duy kỹ thuật số, chi phí chuyển đổi số.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX, các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên, mô hình HTX phải được quản trị theo Luật HTX năm 2012 và quy mô đủ lớn thì mới đủ chi phí để chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, HTX cần được tăng cường hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông ở vùng sâu, vùng xa vì phần lớn HTX đang hoạt động ở nông thôn.
Ngoài các tiêu chí trên, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nhân lực cho HTX cũng là vấn đề rất quan trọng nếu muốn chuyển đổi số. Muốn vậy, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Khi nguồn nhân lực tốt sẽ thúc đẩy quản trị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của HTX.
Ngoài ra, một số quy định, thể chế chính sách về phát triển HTX vẫn bị chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chẳng hạn như trong Luật HTX năm 2012 chưa đề cập đến vấn đề chuyển đổi số trong HTX nên chưa giúp HTX phát triển trong bối cảnh của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế-chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh mang tầm chiến lược vĩ mô để KTTT, HTX có cơ hội phát triển và thích ứng với thị trường.
Huyền Trang