Theo thống kê của Liên minh HTX TP Hà Nội, hiện toàn TP có 1.015 HTX nông nghiệp, trong đó có 89 HTX sản xuất gắn với chuỗi liên kết, 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ... Những năm gần đây, việc đổi mới, thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới (HTX được thành lập theo Luật HTX năm 2012) tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Khó khăn bủa vây
Trong những năm vừa qua, các HTX đã làm tốt công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến những người chịu trách nhiệm quản lý phải "đau đầu".
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Trung Thành, khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX nông nghiệp có lẽ là nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực có trình độ... Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm, khả năng ứng dụng công nghệ cũng là vấn đề đặt ra với nhiều HTX nông nghiệp.
Những khó khăn này đã được chứng minh qua chia sẻ của Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Theo đó, hiện nay, HTX đã xây dựng được khu nhà lưới rộng 2.600m2 trồng rau thuỷ canh theo công nghệ hiện đại của Israel.
Công trình cần một số vốn lớn nhưng khi tìm đến các tổ chức tín dụng để vay thì nhận được yêu cầu phải có "sổ đỏ" để làm tài sản đảm bảo, trong khi đó toàn bộ diện tích sản xuất của HTX là đi thuê, trụ sở làm việc cũng được đặt trong khu sản xuất nên không đáp ứng được quy định của đơn vị tín dụng.
Dù nhiều HTX đã chuyển đổi sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nhưng lại chưa có đầu ra ổn định (Ảnh: TL) |
Về vấn đề đầu ra của sản phẩm, ông Lê Văn Lanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết, dù nhiều HTX đã chuyển đổi sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nhưng đầu ra chưa ổn định.
Ông Lanh dẫn ví dụ sản phẩm bưởi Diễn của HTX Nam Phương Tiến, tuy đã có thương hiệu, sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng nhiều năm qua, gần như toàn bộ sản phẩm đều do các thành viên HTX tự tiêu thụ qua thương lái, chưa có hợp đồng tiêu thụ với đầu mối lớn khiến người nông dân chưa thể yên tâm.
Bổ sung thêm về những khó khăn của nhóm HTX nông nghiệp của TP Hà Nội, bà Đặng Thị Tươi - đại diện Phòng Kinh tế huyện Ứng Hoà cho biết, bên cạnh những tồn tại kể trên, cơ sở vật chất, hạ tầng cũng đang là những vấn đề mà các HTX nông nghiệp chưa thể tìm được cách giải quyết.
Hiện, toàn huyện Ứng Hoà có 80 HTX nông nghiệp được thành lập mới, đổi mới theo Luật HTX năm 2012 thì có tới 59 HTX phải hoạt động nhờ tại trụ sở UBND xã, đình làng...
Trách nhiệm của cơ quan chức năng
Chia sẻ những khó khăn đang đặt ra đối với hoạt động của các HTX nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, tới đây, ngành nông nghiệp TP sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thành lập các HTX nông nghiệp theo tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2020, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Liên minh HTX TP hỗ trợ thành lập 50 HTX tại các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới…
Về nguồn vốn cho các HTX nông nghiệp, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX TP Hà Nội Vũ Mạnh Nam cho hay, hiện Quỹ có tổng nguồn vốn 125 tỷ đồng. Trong năm 2020, Quỹ sẽ giải ngân tối đa cho các HTX nguồn vốn này và vốn vay từ Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục vay vốn…
Theo Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Lê Văn Thư, Liên minh sẽ bám sát việc thực hiện sửa đổi Luật HTX năm 2012 để vận dụng cơ chế mới, tạo động lực phát triển cho các HTX; phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các chủ thể này thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh; thực hiện các quy định ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí theo hướng thấp hơn mức áp dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Nhiều HTX nông nghiệp tại Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (Ảnh: TL) |
Với vấn đề tích tụ ruộng đất, ông Thư cho rằng, các HTX cần căn cứ vào quy hoạch của địa phương để có phương án tích tụ ruộng đất phù hợp. Mặt khác, các huyện sớm rà soát quỹ đất để bố trí trụ sở, phối hợp với Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX làm căn cứ vay vốn…
Từ thực tế hoạt động tại các địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, để khơi thông những "điểm nghẽn" đang đặt ra đối với hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, cùng với tuyên truyền, tập huấn…, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.
“Huyện sẽ tập trung củng cố lại hoạt động của các HTX đã chuyển đổi, trong đó phối hợp với Liên minh HTX TP và Chi cục PTNT Hà Nội phát triển, nâng cao 8 HTX gồm 7 HTX nâng cao và 1 HTX kiểu mẫu. Từ thực tế hoạt động của các HTX, huyện Sóc Sơn cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…”, bà Bình Anh nói.
Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục xem xét có chính sách hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại để tham gia các hội chợ. Cùng với đó, khuyến khích các HTX thực hiện việc ký kết hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện để các HTX được hưởng các chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát triển thêm ngành nghề, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Minh Khuê